vĐồng tin tức tài chính 365

Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 9: Biến đầm lầy thành đô thị thịnh vượng

2022-06-10 13:50
Nhớ thời vượt rào đổi mới - Kỳ 9: Biến đầm lầy thành đô thị thịnh vượng - Ảnh 1.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh mở ra cơ hội phát triển cho khu vực

Trong mười người thì hết chín người "lắc đầu" khi tôi bắt đầu đưa ý tưởng khu đô thị vào vùng Nhà Bè hoang vu, ngập mặn. Biến đầm lầy thành đô thị ư?

Xây dựng đại lộ đẹp nhất nước

Đúng là "chuyện không tưởng". Có bốn đối tác nước ngoài đã ký biên bản ghi nhớ với chúng tôi trước đó, nhưng khi các chuyên gia của họ đặt chân đến Nhà Bè về, các đối tác này tỏ ý không tiếp tục hợp tác hoặc cố tình chần chừ không chịu triển khai. 

Trong bối cảnh đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở TP.HCM và trên cả nước, để mọi người chấp nhận ý tưởng về con đường và khu đô thị mới thật không dễ dàng. Người ta phản đối vì nhiều lý do khác nhau. Thật may, tôi tìm Công ty CT&D và ông Lawrence S. Ting đã chủ động đầu tư cho dự án và lao vào thực hiện một cách kiên trì.

Ngoài ra, dự án thực hiện được cũng nhờ ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp (lúc đó là chủ tịch UBND TP.HCM) - người đã thuyết phục lãnh đạo từ thành phố đến trung ương đồng thuận dự án này. Dù gặp phải rất nhiều thách thức trong thời kỳ đầu quá trình đổi mới, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Tập đoàn CT&D, Công ty Phú Mỹ Hưng và chúng tôi đã quyết tâm tạo ra một khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại như ngày hôm nay.

Trước khi bắt tay vào xây dựng khu đô thị, chúng tôi cũng xúc tiến thực hiện một con đường nối liền Tân Thuận với cảng Bến Nghé, cảng Sài Gòn với kho 18, quốc lộ 1A, để thuận tiện kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long (gọi là đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh hay đường Bình Thuận). 

Đây là sự thôi thúc khách quan cho sự tồn vong và phát triển của Tân Thuận. Vì lượng hàng hóa ra vào cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận ngày càng tăng lên trong khi đường thoát duy nhất là đường Nguyễn Tất Thành thì rất chật hẹp (lúc đó chỉ hai làn xe). Cả vùng đất rộng lớn này chưa có một con đường làm xương sống cho quy hoạch phát triển công nghiệp.

Nhớ lại thời đó, ai muốn đến xã Phú Mỹ (huyện Nhà Bè) chỉ có thể đi bằng ghe xuồng. Mảnh đất đồng chua nước mặn này mang trên mình nó hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn đến mức không ai nghĩ rằng vùng đất này chỉ cách trung tâm thành phố 4-5 cây số. 

Thế là ý tưởng hình thành một con đường nối liền Khu chế xuất Tân Thuận đến khu đô thị tương lai với quốc lộ 1A hình thành trong tư duy của chúng tôi, về sau trở thành đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Từ sau năm 2006, người ta đã thấy một Nhà Bè rất khác. Đại lộ Nguyễn Văn Linh thênh thang lộng gió nối hai đầu bờ vui là Khu chế xuất Tân Thuận và khu đô thị sạch đẹp Phú Mỹ Hưng. Dọc theo con đường rộng 120m này, chúng ta sẽ bắt gặp những công trình kiến trúc bề thế, các công viên tươi xanh mà ở đó khu đô thị mới đã tạo nên không gian sống phồn vinh, hiện đại cho con người.

Chất lượng con đường Bình Thuận trước hết là việc thi công đảm bảo các quy chuẩn ngang tầm quốc tế. Công năng con đường không chỉ phục vụ vận chuyển cho Khu chế xuất Tân Thuận, giải quyết nạn ách tắc giao thông cho nội thành mà còn là trục phát triển, tạo dựng nên khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. 

Vì thế, chất lượng phải đảm bảo để không phải "hát" bài đào - đắp - sửa rồi lại sửa - đắp - đào như nhiều con đường khác trong thành phố. Từ ngày thông xe đến nay, đại lộ Nguyễn Văn Linh vẫn theo kế hoạch là cứ 6 năm trải thêm một lớp đá nhựa đường mới, vừa bù lún vừa tạo độ dày của thân đường chịu đựng lưu lượng xe vận chuyển trên đường liên tục tăng lên. 

Như thế, sau 30 năm, đại lộ sẽ ổn định bền vững. Cần một nguồn thu phí chỉ để tu sửa đường là do thế.

Giá trị của đại lộ Nguyễn Văn Linh là đặt ý tưởng con đường nằm trong tổng thể của ý tưởng TP.HCM tiến ra Biển Đông. Trước hết là sự hình thành một không gian phát triển đồng bộ về kinh tế - xã hội, bao gồm Khu chế xuất Tân Thuận - đại lộ Nguyễn Văn Linh - khu đô thị Phú Mỹ Hưng - khu đô thị cảng Hiệp Phước.

Nhớ thời vượt rào đổi mới - Kỳ 9: Biến đầm lầy thành đô thị thịnh vượng - Ảnh 2.

Phú Mỹ Hưng từng được xem là đô thị kiểu mẫu - Ảnh: T.TRUNG

Khu đô thị mới thịnh vượng

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xác định là một phần của đô thị Nam Sài Gòn. Dự án khi hoàn thành sẽ bổ sung cho thành phố một số mặt bằng đô thị mới. Khu vực này tương lai sẽ phát triển công nghiệp hóa. 

Huyện Nhà Bè và vùng duyên hải của TP.HCM phía sau đô thị mới sẽ tiếp tục phát triển bám theo Phú Mỹ Hưng. Năm 1993, Công ty Phú Mỹ Hưng tổ chức cuộc thi thiết kế quy hoạch tổng thể đô thị mới Nam Sài Gòn rộng 2.600ha. Ban giám khảo là những kiến trúc sư nổi tiếng trong và ngoài nước.

Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn chúng tôi tìm được một giám khảo trong nước có tên tuổi ở tầm quốc tế. Tôi nghĩ ngay đến kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đã thiết kế Dinh Độc Lập, Làng đại học Thủ Đức, Công trường Mê Linh, Viện Nguyên tử Đà Lạt... 

Nhưng để mời ông tham gia không dễ dàng. Tôi đã đến nhà trò chuyện làm quen với ông trong hai tuần liền mới mời được ông vào ban giám khảo. Thực ra, mỗi lần đến, tôi lắng nghe ông nhiều hơn vì ông có quá nhiều kiến thức, tư tưởng mới mẻ để học hỏi.

Trở lại cuộc thi, ông Lawrence S. Ting là người đã mời các công ty nổi tiếng trên thế giới từ San Francisco, Tokyo, New York đến khu Nam Sài Gòn để thiết kế và quy hoạch. Kết quả, Công ty Mỹ Skidmore, Owings & Merill (SOM) trúng giải, được chọn làm nhà quy hoạch tổng thể khu đô thị (2.600ha) Nam TP.HCM, với 21 phân khu chức năng trong đó gồm khu A - trung tâm đô thị mới Phú Mỹ Hưng như hiện nay.

Đặc điểm của quy hoạch tổng thể Nam Sài Gòn (2.600ha) là bám vào trục đường 17,8km Nguyễn Văn Linh. Về công năng, khu đô thị có 21 phân khu chức năng, trong đó chức năng đầu tiên là đường Nguyễn Văn Linh chiếm 210ha. 

Có 5 phân khu quan trọng là A, B, C, D, E rộng 600ha, trong đó khu A là quan trọng nhất (khu Phú Mỹ Hưng ngày nay). Trục đường Nguyễn Văn Linh và 5 khu A, B, C, D, E giao cho Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng thực hiện.

Các phân khu còn lại do phía Việt Nam (Công ty IPC thực hiện). Về cảnh quan môi trường, toàn khu đô thị Nam Sài Gòn chia thành 3 dãy. Phía trên là hành lang cây xanh văn hóa nghỉ ngơi liên kết các công viên của các phân khu lại bằng một đường đi xe đạp và đi bộ với loại cây cảnh di thực nhân tạo. 

Đây là vùng xanh phục vụ cho khu đô thị Nam Sài Gòn và khu đô thị (cũ) hiện có. Bám dọc theo trục lộ Nguyễn Văn Linh là khu phát triển đô thị. Phía dưới là sông nước thiên nhiên của vùng cây con Nhà Bè (chỉ để cảnh sông hoang dã thiên nhiên). Đó là một quy hoạch với ý tưởng một đô thị sông nước "Nam Bộ" không cách ly với thiên nhiên.

Từ năm 2003, bộ máy tiếp thị của liên doanh Phú Mỹ Hưng đã tích cực hoạt động để tạo nên sinh khí cho khu đô thị. Các chương trình vui chơi cho cộng đồng như thi thả diều, thi vẽ tranh cho thiếu nhi, tổ chức hội chợ, tổ chức chợ hoa ngày tết... đã được triển khai. Điều này đã thu hút được các doanh nghiệp đến đây tìm kiếm cơ hội làm ăn...

Các cửa hàng thương mại dịch vụ, khu dân cư đã bắt đầu sinh khí mới. Không khí thịnh vượng nơi đây được tỏa rộng. Từ đó, đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã trở thành một thương hiệu của cả nước. Năm 2007, tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã xây dựng hoàn thành như thiết kế được duyệt, trở thành tuyến đường có độ rộng và cảnh quan đẹp nhất nước.

Một trong những câu chuyện tôi nhớ hoài là ông Ngô Bá Thụ nói: "Giá trị của cái ly là ở phần không phải cái ly, mà là ở phần rỗng để đựng nước. Phần bên ngoài có đẹp mấy cũng chỉ để trang trí, còn giá trị sử dụng của cái ly nằm ở phần rỗng, nếu cái ly bị đặc ruột thì không có công dụng gì. Một công trình kiến trúc cũng vậy, nếu không đúng công năng thì dù có đẹp mấy cũng không giá trị".

*************

Chúng tôi kỳ vọng từ con sông Soài Rạp có thể phát triển một cụm cảng biển cho công suất lớn thay cho cụm cảng TP.HCM.

>> Kỳ tới: Đánh thức tiềm năng sông Soài Rạp

Nhớ thời Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 8: Viên gạch đầu tiên cho Sài Gòn hướng biển

TTO - Sau gần 40 năm, đến nay, đề án xây dựng KCX Tân Thuận đã chứng minh được hướng phát triển đó là đúng...

Xem thêm: mth.13484123290602202-gnouv-hniht-iht-od-hnaht-yal-mad-neib-9-yk-iom-iod-oar-touv-ioht-ohn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 9: Biến đầm lầy thành đô thị thịnh vượng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools