Theo số liệu mới được công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất từ tháng 12/1981, vượt qua mức 8,5% của tháng 3. Lạm phát cơ bản (không tính đến các mặt hàng lương thực và năng lượng) cũng tăng 6%. Cả 2 chỉ số này đều tăng cao hơn so với dự kiến.
Theo các chuyên gia phố Wall, giá nhà ở, xăng dầu và thực phẩm tăng cao là nguyên nhân chính dẫn tới đà tăng của chỉ số CPI. Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, giá năng lượng đã tăng 34,6% trong năm qua, mức tăng nhanh nhất từ tháng 9/2005; trong khi giá lương thực cũng lần đầu tiên tăng hơn 10% từ tháng 3/1981.
Những số liệu mới được công bố đã làm giảm kỳ vọng về việc lạm phát tại Mỹ đã đạt đỉnh và làm tăng thêm lo ngại kinh tế nước này có khả năng sắp bước vào suy thoái.
Theo các chuyên gia kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, mất cân bằng cung cầu, xung đột Nga - Ukraine và các gói cứu trợ khổng lồ được chính phủ Mỹ đưa ra trong thời gian COVID-19 là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, cả 3 chỉ số chính đều giảm điểm mạnh sau khi những chỉ số kinh tế thiếu tích cực được công bố. Trong đó, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm điểm sâu nhất, tương đương 3,2%, xuống còn 11.377 điểm khi chốt phiên.
Trong các thông điệp đưa ra thời gian gần đây, chính quyền Mỹ đều khẳng định sẽ đưa vấn đề chống lạm phát trở thành mục tiêu kinh tế ưu tiên trong giai đoạn này. Khi lạm phát tháng 5 đã tăng cao hơn dự kiến, càng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm % một lần nữa trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tuần sau.
VTV.vn - Các nhà phân tích đánh giá tốc độ tăng lương tại Mỹ vẫn thấp hơn đáng kể so với đà tăng giá hàng hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.70541937011602202-man-04-hnid-pal-ym-tahp-mal/et-hnik/nv.vtv