Với HLV Gong Oh Kyun, U23 Việt Nam trở thành chú "tắc kè bông" khó đoán định trong từng trận đấu - Ảnh: VFF
Ở trận ra quân gặp U23 Thái Lan, ông Gong gây bất ngờ khi xếp Nhâm Mạnh Dũng - người vốn đá tiền đạo tại SEA Games 31 chơi trung vệ. Bộ đôi tiền vệ là Văn Khang - Văn Trường - những cầu thủ em út ở đội U23.
Những tưởng đây là đội hình chắp vá của HLV Gong khi trước trận có thông tin cho rằng, nhiều cầu thủ U23 Việt Nam bị tiêu chảy và không đủ thể lực ra sân.
Nhưng không. Ở trận gặp Hàn Quốc, thời điểm U23 Việt Nam có lực lượng gần như đầy đủ nhất, ông Gong tiếp tục để Văn Khang - Văn Trường đá chính. Đây là những vị trí mà trước giải, giới chuyên môn nhận định sẽ khó thoát khỏi tay của Hai Long, Công Đến hay Quang Nho...
Hai trận đấu đầu tiên dù kết thúc với tỉ số hòa nhưng các cầu thủ U23 Việt Nam, đặc biệt là bộ đôi Văn Khang - Văn Trường chơi rất tốt.
Thông thường khi đội bóng đang chơi ổn định, các HLV sẽ không thay đổi nhân sự nhằm tạo tính liền mạch. Vậy mà khi gặp U23 Malaysia ở lượt cuối, ông Gong lại quyết định thay toàn bộ nhân sự ở hàng tiền vệ. Thật lạ, dù thay đổi nhưng U23 Việt Nam vẫn chơi tốt và dễ dàng đánh bại Malaysia 2-0 để tiến vào tứ kết.
Dưới bàn tay của HLV Gong, U23 Việt Nam có khá nhiều phát kiến táo bạo. Tiến Long vốn quen thuộc trong sơ đồ 3 trung vệ nay lại được sử dụng hiệu quả với vai trò một cầu thủ chạy cánh. Trung vệ Duy Cương được đẩy lên chơi như "máy quét" ở hàng tiền vệ. Thanh Nhân vốn là hậu vệ được xếp đá tiền vệ trái và phát huy được khả năng tạt bóng tuyệt vời trong trận thắng Malaysia...
Ngoài những ý tưởng táo bạo về nhân sự, HLV Gong Oh Kyun còn cho thấy sự ứng biến linh hoạt trong thay đổi đội hình cũng như chiến thuật.
Sau vòng bảng, ông Gong đã sử dụng 22/23 cầu thủ (người duy nhất chưa ra sân là thủ môn Tuấn Hưng). Điều này mang đến nhiều nét tích cực. Đầu tiên các cầu thủ được xoay tua và nghỉ ngơi để đạt trạng thái tốt nhất trong từng trận đấu. Điều đó giúp U23 Việt Nam không phụ thuộc vào cá nhân nào và mang đến cho các cầu thủ động lực chiến đấu mạnh mẽ.
Việc tạo được chiều sâu đội hình nói trên cho U23 Việt Nam được HLV Gong Oh Kyun kế thừa từ khi ông làm trợ lý cho HLV Chung Jung Yong ở tuyển U20 Hàn Quốc giành vị á quân tại U20 World Cup 2019. Khi đó U20 Hàn Quốc cũng là "chú tắc kè bông" với sự linh hoạt đáng ngạc nhiên về đội hình và chiến thuật.
Cách làm của ông Gong là không đóng khung các cầu thủ trẻ ở bất kỳ vị trí nào và luôn tạo ra thử thách để họ hoàn thiện bản thân. Những gì ông Gong Oh Kyun mang đến cho U23 Việt Nam mang tính xây dựng, phù hợp với sự phát triển của bóng đá trẻ.
TTO - Sau khi HLV Gong Oh Kyun dẫn dắt U23 Việt Nam vào tứ kết Giải U23 châu Á 2022, báo chí Hàn Quốc đã nhận định rằng: 'U23 Việt Nam, sau phép mầu Park Hang Seo là phép thuật Gong Oh Kyun'.
Xem thêm: mth.66504703201602202-man-teiv-32u-gnob-ek-cat-av-gnog-gno/nv.ertiout