Thỏa thuận Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu được 136 quốc gia ký kết cuối năm 2021 là một bước tiến mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế toàn cầu, nhằm chấm dứt hành vi chuyển giá trốn thuế, lập lại công bằng giữa các nước.
136 quốc gia đã đặt bút ký Thỏa thuận Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cuối năm 2021, nhưng ký rồi chưa phải là xong, từ văn bản nền tảng này còn phải cụ thể hóa thành những quy tắc cụ thể, có thể định lượng, được hiểu và được áp dụng như nhau ở tất cả các nước.
(Ảnh minh họa - Ảnh: The Economic Times)
Cho tới thời điểm này, Liên minh châu Âu vẫn chưa nhất trí được với nhau là sẽ sửa đổi luật lệ thế nào cho phù hợp với thỏa thuận toàn cầu đã ký. Mỗi chi tiết đều có thể được hiểu khác nhau, và từ đó vận dụng khác nhau, vô tình hay cố ý.
"Quy định mới sẽ thiết lập các tiêu chuẩn minh bạch, để cơ quan thuế có thể dễ dàng phát hiện các vi phạm. Cơ quan thuế tại một nước thành viên có quyền yêu cầu cơ quan thuế của một nước khác thanh tra thuế đối với bất kỳ thực thể nào đăng ký hoặc kinh doanh tại nước đó, rồi cung cấp thông tin cho nhau", ông Paolo Gentiloni, Cao ủy châu Âu về Kinh tế, nhấn mạnh.
Nhìn từ châu Âu, Thỏa thuận Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là một thành công ở mức vừa phải. Nhất trí được một mức thuế sàn là tốt, nhưng nếu sàn đó quá thấp, thì cũng không đủ để đảo ngược xu hướng chuyển giá trốn thuế. Đây cũng là yếu tố gây tranh luận kéo dài tại Nghị viện châu Âu.
"Sàn thuế tối thiểu chung được kéo tụt xuống mức 15%, tức là chỉ cao hơn một chút so với mức 12,5% mà Ireland vẫn áp dụng để lôi kéo các doanh nghiệp tới chuyển giá. 15% là thấp hơn rất nhiều so với đề xuất ban đầu của Liên Hợp Quốc, áp đặt mức thuế sàn trong khoảng từ 20 - 30%", ông Mick Wallace, Nghị sĩ Nghị viện châu Âu, cho biết.
Theo cam kết, các nước sẽ áp dụng thỏa thuận vào năm 2023, ban đầu được hiểu là ngay từ ngày đầu tiên của năm sau, 1/1. Tại châu Âu, mốc 2023 được dời đến ngày 31/12, vẫn là năm 2023, thực chất là lui lại một năm. Bộ trưởng Tài chính 27 quốc gia châu Âu sẽ họp tiếp vào ngày thứ Sáu tuần sau (17/6), hy vọng nhất trí được trong nội bộ các nước châu Âu về một bộ văn bản hướng dẫn áp dụng Thỏa thuận Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.
VTV.vn - Các nước G7 vừa đạt được thỏa thuận về thuế DN toàn cầu. Đây được cho là tin không hay đối với các "thiên đường thuế" và khiến các công ty đa quốc gia hết đường "né thuế".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!