Tháng 12-2021, ông HCT (ngụ TP Cà Mau) và một công ty ở TP.HCM đã gửi hai đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến TAND huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau). Tuy nhiên đến nay, hai đơn này vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tòa chậm xử lý đơn vì vấn đề còn mới
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM về vụ việc trên, bà Tiêu Hồng Phượng, Chánh án TAND huyện Thới Bình, xác nhận tòa đã nhận được hai đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
“Tôi đã cử thẩm phán tiếp nhận đơn. Tuy nhiên, do vấn đề ở hai đơn này quá mới mẻ nên có chậm phản hồi. Tôi sẽ thúc các thẩm phán tìm hiểu nhanh hơn, để có phản hồi sớm cho người gửi đơn” - bà Phượng nói.
Về việc luật có quy định về thời gian phản hồi đơn, bà Phượng lý giải: “Có những vụ việc phức tạp, mới mẻ như ở hai đơn này thì mình cũng có thể gia hạn thời gian”.
Trước đó, trong lần gửi đơn đầu tiên, ông HCT và công ty tại TP.HCM gửi đơn qua đường bưu điện nhưng do không nhận được phản hồi, nghi thất lạc nên vào tháng 3-2022, công ty trên tiếp tục gửi đơn qua bưu điện có báo phát.
Nội dung đơn thể hiện ông HCT và công ty tại TP.HCM căn cứ Điều 5 Luật Phá sản 2014, đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản với một công ty tại Cà Mau, vì công ty này đã mất khả năng thanh toán các khoản nợ không thế chấp nhiều tháng liền.
Quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ
Liên quan đến quyền của chủ nợ trong việc yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản, ThS Liên Đăng Phước Hải, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết: Theo cách hiểu thông thường, phá sản là tình trạng của chủ thể bị vỡ nợ và không còn đủ khả năng để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn.
Còn dưới góc độ pháp lý, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp (DN) mất khả năng thanh toán và bị tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.
Trong thời gian tối đa sáu ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tòa án phải có phản hồi cho người gửi đơn.
Theo quy định của Luật Phá sản 2014, tòa án sẽ mở thủ tục phá sản đối với DN khi và chỉ khi có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN mất khả năng thanh toán từ các chủ thể được quy định tại Điều 5 luật này.
Cụ thể, chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn ba tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
ThS Phước Hải cho biết tùy vào đối tượng tham gia, tài sản của vụ việc phá sản và trụ sở, chi nhánh của DN mất khả năng thanh toán mà đơn yêu cầu được nộp tại TAND cấp huyện hoặc cấp tỉnh, thông qua hình thức nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện.
Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, chánh án TAND phân công một thẩm phán hoặc tổ thẩm phán (gồm ba thẩm phán) giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Khi đó, thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và nếu đơn yêu cầu hợp lệ thì thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày được phân công.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, tòa án trong thời gian tối đa sáu ngày làm việc phải có phản hồi đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
“Hiện nay, trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản đã được quy định cụ thể tại Luật Phá sản 2014 và các văn bản hướng dẫn. Do đó, nếu cho rằng đây là vấn đề mới mẻ nên kéo dài việc thụ lý dường như chưa phù hợp theo quy định của pháp luật” - ThS Phước Hải nói.
Có thể khiếu nại nếu không nhận được phản hồi
Trong trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được nộp nhưng chưa nhận được phản hồi từ tòa án trong thời hạn đã nêu, để bảo vệ quyền lợi của mình, người nộp đơn có quyền khiếu nại đến chánh án TAND nơi đã nộp đơn.
Việc giải quyết khiếu nại sẽ được thực hiện trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đơn. Trong trường hợp vẫn không được giải quyết hoặc trong thời hạn có quyết định giải quyết mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định đó thì có thể khiếu nại đến chánh án TAND cấp trên trực tiếp giải quyết.
ThS LIÊN ĐĂNG PHƯỚC HẢI