Cơn sốt tiền số đã biến Changpeng Zhao, Sam Bankman-Fried, Mike Novogratz và nhiều người khác thành tỷ phú với khối tài sản tăng theo cấp số nhân. Nhưng không lâu sau khi gia nhập nhóm giàu nhất thế giới, vận may của họ lại đột ngột biến mất.
Ngày 9/11/2021, tổng tài sản của 7 tỷ phú tiền số giàu nhất thế giới đạt 145 tỷ USD, khi giá Bitcoin lập đỉnh tại gần 69.000 USD. Nhưng đến nay, họ đã mất tổng cộng 114 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index, tương đương mức giảm gần 80%.
Changpeng Zhao, nhà sáng lập Binance - sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, từng sở hữu khối tài sản lớn thứ 11 thế giới, theo Bloomberg Billionaires Index. Tuy nhiên, con số này hiện giảm 89%, chỉ còn 10,2 tỷ USD. Binance cũng trở thành tâm điểm chú ý cho các nhà lập pháp tại Mỹ, vốn đang tìm cách kiềm chế ngành công nghiệp tiền số.
Bankman-Fried - CEO 30 tuổi của sàn giao dịch FTX, cũng ghi nhận tài sản giảm 66% kể từ khi đạt đỉnh 26 tỷ USD. Theo Bloomberg, điều này có thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư vào chính trị của anh. Bankman-Fried đã rót 16 triệu USD vào các Siêu ủy ban hoạt động chính trị (Super PAC) vào tháng 4. Tỷ phú cũng cho biết dự kiến đóng góp hơn 100 triệu USD trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo để hỗ trợ đảng Dân chủ.
Novogratz (57 tuổi) người đứng đầu Fortress Investment Group, là một trong những cái tên nổi bật trên thị trường tiền điện tử. Tài sản của tỷ phú này đã giảm xuống còn 2,1 tỷ USD, thấp hơn cả khi lần đầu xuất hiện trong bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index vào tháng 12/2020. Thời điểm đó, Bitcoin giao dịch quanh 29.000 USD.
Trong khi đó, Cameron và Tyler Winklevoss ghi nhận tài sản chỉ còn 3 tỷ USD mỗi người - giảm nửa từ mức cao nhất là 5,9 tỷ USD. Hai người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử Gemini tháng này cũng thông báo sẽ cắt giảm khoảng 10% nhân sự.
Các nhà sáng lập Coinbase Brian Armstrong (39 tuổi) và Fred Ehrsam (34 tuổi) từng ghi nhận khối tài sản trị giá 18,1 tỷ USD. Nhưng hiện tại, họ chỉ còn 2,1 tỷ USD mỗi người. Nguyên nhân là do cổ phiếu của công ty này giảm 79% kể từ khi IPO.
Những người đặt cược lớn vào Bitcoin, như CEO Microstrategy Michael Saylor hay Tổng thống El Salvador Nayib Bukele cũng đang cảm thấy khó khăn khi giá tiền số lớn nhất thế giới xuống 21.000 USD một đồng - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Từng được coi là phát kiến mở ra kỷ nguyên mới của tài chính phi tập trung, tiền số đang trải qua giai đoạn khó khăn do một loạt biến cố. Hồi tháng 5, hệ sinh thái Luna và tiền số ổn định (stablecoin) TerraUSD sụp đổ. Mới đây, Celsius - một trong những nền tảng cho vay tiền số lớn nhất hiện nay - đã thông báo đóng băng tất cả các giao dịch. Động thái này được đưa ra sau tin đồn Celsius không thể đáp ứng lợi nhuận như đã hứa hẹn trên một số sản phẩm.
Thị trường tài chính toàn cầu thì trở nên hỗn loạn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác có kế hoạch tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ. Việc này càng khiến đà giảm của tiền số tăng tốc.
Saylor cho biết vẫn đặt niềm tin vào tiền số. Tuy nhiên, công ty phần mềm do ông thành lập đang ghi nhận khoản lỗ kỷ lục. Microstrategy bắt đầu mua Bitcoin từ năm 2020, đến nay đang lỗ hơn 1 tỷ USD theo giá giao dịch gần nhất của đồng tiền số này.
Minh Sơn (theo Bloomberg)