“Thành công tốt đẹp!”. Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ khẳng định khi phát biểu bế mạc kỳ họp thứ ba, QH khóa XV. Sự thành công ấy bắt đầu bằng sự linh hoạt, không chỉ được khởi xướng từ đầu nhiệm kỳ mà ngay tại kỳ họp này qua việc điều chỉnh chương trình phù hợp với diễn biến thực tế.
Đặc biệt là trong công tác nhân sự đối với cựu đại biểu Quốc hội (QH), cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Trong cái linh hoạt ấy, nhân dân có thể thấy sự phối hợp linh hoạt, nhịp nhàng giữa Đảng, QH và Chính phủ.
Nhưng không phải lúc nào cũng có sự nhịp nhàng như vậy. Bởi vì ngay cả khi thực hiện chức năng giám sát tối cao qua các buổi chất vấn hay thảo luận về kinh tế - xã hội... thì vẫn còn đó một “độ vênh” cần thiết giữa cơ quan lập pháp và hành pháp.
Cụ thể là khi nhiều đại biểu QH yêu cầu Chính phủ phải có biện pháp giảm giá xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế thì đại diện nhánh hành pháp cũng đã nói rằng có những sắc thuế thuộc thẩm quyền của QH, Ủy ban Thường vụ QH.
Chủ tịch QH, với vai trò người cầm trịch, đã giải thích và khuyến cáo về thẩm quyền và các biện pháp khác thuộc hành pháp. Nhưng điều mà chắc nhiều người mong đợi là QH, nhân kỳ họp này, có thể quyết ngay những gì thuộc thẩm quyền của mình đối với giá xăng. Chắc hẳn, nếu QH làm như vậy, chẳng những lòng dân phấn khởi hơn mà ngay cả chức năng “quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước” cũng được cụ thể hóa hơn nữa.
Nhưng nhìn lại một kỳ họp vừa qua đã có rất nhiều thay đổi. Chẳng hạn như những dự án hạ tầng, không phải cho đến bây giờ cao tốc Bắc - Nam mới được đặt ra. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã từng nói ở QH khóa XIV hồi năm 2017 về kinh nghiệm quốc tế và tác động to lớn của một tuyến cao tốc dọc chiều dài đất nước. Còn như tại kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Phan Văn Mãi (TP.HCM) đã từng bày tỏ một chút tiếc nuối khi thực ra đường vành đai 3 đã được chủ trương từ năm 2011 mà đến giờ mới được quyết.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều dữ kiện cho thấy có sự thay đổi ở tính quyết liệt, tính thực tiễn mà sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương - QH - Chính phủ đã được đề cập ở trên.
Tính quyết liệt ấy còn có thể được soi rọi khi mà bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 không hẳn là thuận lợi. Ngân sách có vượt thu, đầu tư nhà nước có tăng lên, niềm tin của các nhà đầu tư có thể được phục hồi… nhưng không phải không có những e ngại.
Nhưng tinh thần “qua sông bắc cầu, gặp núi khoan núi”… được khởi đi từ đầu nhiệm kỳ đã quy định: Giải pháp cho các vấn đề thì quan trọng hơn là nêu các khó khăn, trăn trở. QH hẳn nhiên không phải toàn bộ gần 500 đại biểu đều có thể an tâm với các quyết sách lớn mà Chính phủ đệ trình nhưng tinh thần đồng hành, sát cánh, ủng hộ đã thay cho những nghi ngại, băn khoăn và trăn trở.
Ở góc độ như vậy, chúng ta tin rằng “các luật, nghị quyết, chính sách mới được ban hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và giám sát của QH, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc” sớm thành hiện thực như lời của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu khi bế mạc.