Theo công ty kiểm toán, thuế và tư vấn quốc tế Mazars, trong 3 tháng đầu năm 2022, 81 công ty đầu tư bất động sản rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Đây là con số hàng quý cao nhất trong hơn một thập kỷ và là mức tăng mạnh so với 46 công ty vỡ nợ từ 3 tháng cuối năm 2021.
Trong số các doanh nghiệp, những công ty vay vốn để tài trợ cho các dự án phát triển đầu tư trước đại dịch gặp rủi ro cao nhất. Chủ nhà cho thuê bị mất thu nhập vì các cửa hàng phải đóng cửa trong thời gian phong toả.
Giờ đây, họ phải đối mặt với mối đe doạ hiện hữu dưới dạng chi phí đi vay tăng cao, vì NHTW Anh (BOE) chuyển sang kiềm chế lạm phát cao bằng cách tăng lãi suất. Uỷ ban Chính sách Tiền tệ của BOE đã thắt chặt chính sách trong 5 cuộc họp liên tiếp, tăng lãi suất cơ bản lên 1,25 %.
Rebecca Dacre, một chuyên gia tại công ty Mazars, cho biết: "Loạt tăng lãi suất gần đây đến trong một thời điểm không thể tồi tệ hơn khi tiền thuê nhà vẫn chưa trả hết và các chủ nợ gõ cửa tận nhà. Không may, những đợt tăng lãi suất có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra. Điều đó có nghĩa là lĩnh vực này có khả năng sẽ còn chứng kiến các vụ vỡ nợ tiếp theo".
Một số doanh nghiệp tồn tại được cho đến hiện tại chỉ nhờ vào sự bảo vệ của chính phủ trong đại dịch. Nhưng các biện pháp đó đã kết thúc từ đầu năm 2022.
Biểu đồ đường về số lượng doanh nghiệp vỡ nợ theo quý đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Điều này cho thấy tình trạng mất khả năng thanh toán của các công ty bất động sản tăng vọt. Nguồn: FT
Khi sống sót sau đại dịch, các nhà đầu tư hy vọng rằng họ có thể phục hồi các khoản thu nhập bị mất và bắt kịp các dự án bị trì hoãn trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.
Nhưng xung đột tại châu Âu đã đẩy nền kinh tế toàn cầu ngày càng tiến đến suy thoái, gây ra một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, vốn đè nặng lên tiêu dùng thương mại và gia tăng nguy cơ suy thoái thị trường nhà ở tại Anh.
Các nhà phát triển bất động sản cũng đang phải vật lộn với chi phí lao động và giá nguyên liệu gia tăng do lạm phát tiền lương, giá năng lượng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nghiên cứu độc lập của công ty kiểm toán Price Bailey cho thấy số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng mà không trả được nợ cho các khoản vay hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong thời kỳ đại dịch của chính phủ đang tăng vọt.
Chương trình cho vay gián đoạn kinh doanh Covid-19, hay CBILS, tuyên bố rằng các doanh nghiệp trong ngành xây dựng đã đưa ra 14.255 yêu cầu. Cho đến nay, 354 doanh nghiệp đã vỡ nợ, chiếm 2,5% tổng số.
Theo Price Bailey, tỷ lệ vỡ nợ trong lĩnh vực xây dựng cao hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Nhiều vụ vỡ nợ hơn nữa có khả năng sẽ xảy ra trong tương lai.
Matt Howard, người đứng đầu bộ phận phá sản và phục hồi tại Price Bailey, cho biết: "Tác động toàn diện của 3 cú sốc lớn là Brexit, Covid và Ukraine vẫn chưa xuất hiện".
Theo FT
http://tintuc.vdong.vn/06/1394651.htm