Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC
Phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 tổ chức tại TP Cần Thơ sáng 21-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã thông tin tình hình hạ tầng giao thông và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu và nhận thấy giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long là điểm nghẽn rất lớn và trong nhiều nhiệm kỳ qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất tập trung nhưng hệ thống giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Chính vì thế, để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2021-2025, mấy năm qua, bộ hết sức tập trung để điều chỉnh quy hoạch giao thông, trong đó luôn xác định giao thông vận tải đóng góp gì cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là thu hút các nhà đầu tư đến khu vực này để phát triển.
Nêu một số đột phá giao thông đã và sẽ triển khai trong thời gian tới, ông Thể cho biết về đường biển, bổ sung cảng Trần Đề (Sóc Trăng), xem đây là cửa ngõ chính Đồng bằng sông Cửu Long để tàu 80.000 - 100.000 tấn có thể hoạt động ở khu vực này.
Về hàng không, ngoài sân bay quốc tế Cần Thơ, bộ đang nghiên cứu nâng cấp sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) và sân bay Cà Mau.
Về đường bộ, theo ông Thể, đây là lĩnh vực hết sức cần thiết kết nối cảng biển với trung tâm TP Cần Thơ. Do đó trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, Quốc hội đã tập trung cho Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn.
Đến thời điểm này, đã có 86.000 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước được Quốc hội thống nhất để Bộ Giao thông vận tải tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này.
Nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC
"Hiện Đồng bằng sông Cửu Long có 90km đường cao tốc và đang triển khai 30km, như vậy tới năm 2022 mới phấn đấu triển khai 120km. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ này chúng tôi bố trí đầu tư 400km đường cao tốc, gồm những trục chính kết nối TP.HCM với Cần Thơ, từ Cần Thơ tới Đất Mũi, Cà Mau và hình thành tuyến cao tốc Cần Thơ - Trần Đề, tuyến An Hữu - Cao Lãnh - Rạch Giá.
Nếu bố trí vốn được và làm đúng theo kế hoạch thì cuối nhiệm kỳ có thể tăng lên 400km đường cao tốc, cộng với 120km đang triển khai, cố gắng có 400 - 500km đường cao tốc.
Ngoài ra, bộ cũng đang nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Quốc hội chủ trương xây dựng tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với TP Cần Thơ.
Nói tóm lại, trong nhiệm kỳ này, dấu ấn về giao thông vận tải sẽ rất đậm nét. Và sau nhiệm kỳ chắc chắn Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có tiềm năng, thế mạnh để chúng ta phát triển một cách đột phá.
Tại hội nghị này, tôi rất mong các nhà đầu tư quan tâm tới Đồng bằng sông Cửu Long. Với hệ thống giao thông chúng tôi báo cáo, chắc chắn sẽ thuận lợi cho phát triển kinh tế. Nếu đến chậm chúng ta sẽ không cạnh tranh được với những người đi trước.
Các địa phương cần đồng tâm hiệp lực thực hiện hoàn thành kế hoạch giao thông vận tải đột phá như vừa báo cáo, nếu làm tốt thì chúng ta có điều kiện thu hút đầu tư tốt hơn", ông Thể kêu gọi.
TTO - 1.234km đường cao tốc từ TP.HCM đi các tỉnh phía Đông, phía Tây và ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hi vọng một tuyến cao tốc xuyên suốt miền Tây không còn xa.