10 năm trước, khi tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai mới hoàn thành, hai bên đường chỉ nhìn thấy một vùng đồi núi trọc, toàn cây sắn. Giờ đây dọc tuyến cao tốc, những cánh rừng quế bạt ngàn một màu xanh mướt đã cho thu hoạch.
Với hơn 6.000 ha quế, xã Xuân Hòa và xã Vĩnh Yên được gọi là “thủ phủ” quế của huyện Bảo Yên, với nhiều "tỷ phú chân đất" đi lên từ cây quế. Giờ đây, phương pháp canh tác quế đã được người dân thực hiện theo đúng quy trình bài bản, 2 năm đầu trồng sắn xen quế để che mát cho cây quế non, khi quế được 4 đến 5 năm tuổi, bắt đầu tỉa cành bán, đến khi tận dụng hết giá trị của lá quế mới khai thác vỏ, sau 12-15 năm hết một vòng chu kỳ cây quế.
Ông Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên chia sẻ, từ khi đưa cây quế là cây chủ lực trong phát triển rừng, bà con đã tự tìm tòi nghiên cứu các phương pháp chăm sóc cây, thay vì cán bộ kiểm lâm phải hướng dẫn như trước đây. "Việc phát triển cây quế giúp công tác phòng cháy rừng được người dân quan tâm hơn vì đó là tài sản của người dân. Vào mùa khô người dân thường xuyên đi tuần tra cũng như hạn chế đốt lửa ở gần rừng".
Diện tích trồng quế lên tới 46.000 ha đã cho Lào Cai cơ hội đặt mục tiêu trở thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cây quế đã có mặt tại Lào Cai từ những năm 70 của thế kỷ trước, qua những bước thăng trầm những năm gần đây, cây quế đã khẳng định được vị thế và đem lại hiệu quả cao cho người dân. Năm 2015, toàn tỉnh Lào Cai có gần 12.000 ha quế thì đến nay, diện tích quế trên toàn tỉnh đã là 46.000 ha. Chiến lược phát triển rừng cũng như nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cây quế được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, cho biết: "Những năm qua phong trào cây quế phát triển vì chính giá trị cây quế mang lại, vừa phát triển rừng vừa đem lại thu nhập. Chúng tôi cũng rất trăn trở khi trồng cây ở vùng cao làm sao đem lại hiệu quả kinh tế bền vũng đó là mục tiêu chúng tôi tiến tới".
Huyện Bảo Yên là địa phương có diện tích quế lớn nhất tỉnh Lào Cai, với trên 23.000 ha, chiếm 1/2 diện tích quế toàn tỉnh. Từ lúc còn thiếu đói quanh năm, đến nay nhiều gia đình ở huyện Bảo Yên đã thoát nghèo, từng bước làm giàu từ cây quế.
Bà Nguyễn Thị Hiền, ở bản Đao, xã Vĩnh Yên cho biết, mỗi năm gia đình thu được 70-80 triệu đồng/ha quế. Từ trồng cây quế, gia đình làm thêm homestay để khách du lịch đến khám phá nghề trồng quế.
"Trước đây, tôi chưa trồng quế không có tiền, vất vả lắm, khéo mới đủ ăn. Giờ nhà nhà người người trồng quế ai cũng có tiền từ quế để tiêu" - bà Hiền cho biết.
Bất cứ đâu còn đất đều được tận dụng trồng quế
Trước kia, các cấp chính quyền ở tỉnh Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn việc thay đổi tư duy của người dân trong việc bỏ cây sắn sang trồng rừng bền vững. Nhưng từ khi cây quế được chọn làm cây chủ lực phát triển rừng thì giờ đã khác.
Ông Hoàng Đình Kiểu, Chủ tịch UBND xã Tân Dương, huyện Bảo Yên, cho hay: "Hiện phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo thì cây quế là số một. Hiện trồng quế không phải tuyên truyền, bà con đâu có đất là trồng hết quế".
Diện tích trồng quế lên tới 46.000 ha đã cho Lào Cai cơ hội đặt mục tiêu trở thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ mục tiêu đó, Lào Cai dự kiến tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông - lâm sản xuất khẩu chính.
Không dừng lại ở đó, tỉnh đặt mục tiêu gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật với thu hút, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến sâu có công nghệ hiện đại. Bên cạnh Bảo Yên, tỉnh sẽ phát triển diện tích quế tập trung tại địa bàn các huyện: Bắc Hà, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, nêu rõ: "Trong mục tiêu đặt ra đến năm 2030 sẽ có 66.000 ha quế, 50% đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Đây cũng là thách thức lớn đối với ngành lâm nghiệp làm sao đưa được sản phẩm ra quốc tế".
Cây quế với doanh thu gần 600 tỷ đồng/năm, trở thành cây công nghiệp xuất khẩu chủ lực của địa phương đã cho thấy một điều: Nghĩ đúng thôi chưa đủ mà phải làm đúng mới mang lại sinh kế lâu dài cho người dân và mang lại phát triển rừng bền vững cho những vùng quê còn gian khó./.
Theo Mạnh Phương
VOV
Xem thêm: nhc.63551724112602202-euq-yac-ut-nel-id-tad-nahc-uhp-yt-ueihn/nv.zibefac