Sau phiên giao dịch ngày 20/6 tiêu cực với hàng loạt mã cổ phiếu nằm sàn la liệt, thị trường đã bị thủng mốc 1.200 điểm - được cho là ngưỡng kháng cự quan trọng trong giai đoạn thị trường nhạy cảm.
Bước sang phiên giao dịch ngày 21/6, thị trường tiếp tục biến động tiêu cực. Áp lực bán tiếp tục dâng cao và kéo hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc, trong đó, các mã chứng khoán như VND, BSI, MBS, APS, VIX... đều đồng loạt giảm sâu. Tương tự, nhóm cổ phiếu dầu khí, thép… cũng đua nhau giảm giá.
Tuy nhiên, thị trường lại bắt đầu xuất hiện dòng tiền bắt đáy. Sau khoảng thời gian đầu lao dốc đầu phiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán nhận được lực cầu tốt và đua nhau tăng giá. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng như STB, LPB, TPB, CTG, TCB... cũng tăng giá mạnh, kéo VN-Index về tham chiếu và có thời điểm vượt tham chiếu. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index thậm chí đã tăng 5,82 điểm lên 1.186,22 điểm.
Đà tăng tiếp tục được ghi nhận trong khoảng thời gian đầu mở cửa phiên giao dịch chiều ngày 21/6. Tuy nhiên, dấu hiệu tăng này diễn ra không lâu. VN-Index lại “cắm đầu” giảm điểm khi gặp áp lực bán mạnh ở các cổ phiếu lớn.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,93 điểm, tương ứng 0,67% xuống 1.172,47 điểm. Toàn sàn có 138 mã tăng, 323 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,3 điểm, tương ứng 1,23% xuống 264,62 điểm. Toàn sàn có 63 mã tăng, 133 mã giảm và 44 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,41 điểm, tương ứng 0,48% xuống 85,03 điểm.
Các mã cổ phiếu ngành năng lượng, điện sau phiên tăng tích cực đã giảm sàn. POW, BCG, MCG, REE… đồng loạt giảm sàn. Cùng với đó, các mã thủy sản, logistic vốn là những mã ngược dòng thị trường những phiên trước đây thì phiên 21/6 lại tiếp tục “bốc hơi" mạnh thị giá. ANV, HAH, PDN, CMX, VHC… kết phiên đều giảm 7%.
Tín hiệu tiêu cực cũng xảy ra ở nhóm cổ phiếu bán lẻ khi FRT kết phiên trong sắc xanh lơ, MWG, DGW cũng dừng giao dịch trong sắc đỏ. Nhóm phân bón cũng diễn biến kém sáng khi BFC, DCM, DPM… giảm kịch sàn.
Cổ phiếu FLC sau thời gian giảm mạnh đã tăng 3,8% nhưng cũng chỉ đạt 3.790 đồng/cổ phiếu. HAI cũng tăng giá song cũng chỉ ở mức 1.796 đồng/cổ phiếu. ROS lại giảm hơn 2% xuống 2.150 đồng/cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư trên các diễn đàn, hội nhóm về chứng khoán nhận xét cổ phiếu “họ FLC" hiện còn không bằng ly trà đá.
Tại nhóm cổ phiếu đầu cơ khác, mã “họ Apec” có API và IDJ trắng bên mua, họ Licogi giảm trên 7%, họ Tasco có JVC, VC9 giảm hết biên độ, các cổ phiếu liên quan Gelex cũng tiến về sát giá sàn… Nhóm cổ phiếu Louis có phiên tăng tốc thứ 2 liên tiếp khi các mã TGG, BII, VKC tăng hết biên độ cho phép.
Nhóm HAG và HNG cũng kết phiên trong sắc tím sau thông tin tích cực từ Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức chia sẻ về lợi nhuận 5 tháng đầu năm đạt 431 tỷ đồng.
HBC của Hòa Bình tăng trần sau thông tin lãnh đạo đăng ký mua vào để đỡ giá cổ phiếu.
Nhưng mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường phiên ngày 21/6 là GAS. Mã này giảm 4,17% xuống 119.500 đồng/cổ phiếu và có thời điểm được khớp lệnh tại giá sàn. Nhóm cổ phiếu dầu khí hôm nay cũng không có mã nào kết phiên trong sắc xanh. Sắc đỏ phủ bóng các mã BSR, OIL, PLX, POS, PTV, PVB… Nhiều mã thậm chí giảm sàn như PVC, PVD, PVS…
HPG là mã đứng thứ 2 trong danh sách tác động tiêu cực đến VN-Index ngày 21/6. Mã này giảm 3,7% xuống 20.800 đồng/cổ phiếu và vẫn đang trên hành trình đi tìm đáy mới của năm 2022. Thị giá HPG hiện tại quay về thời điểm tháng 1/2021. Ngoài HPG, tại nhóm thép, HSG giảm 4,07%, TLH giảm sàn, NKG giảm 6,29%, POM giảm 3,64%...
Nhóm ngân hàng phiên hôm nay đã có nhiều mã lấy lại sắc xanh. Một số mã thuộc nhóm này nằm trong top những cổ phiếu tác động tích cực nhất tới chỉ số chung như BID, VCB, STG, SAB, TPB… Một số mã khác cũng ghi nhận sắc xanh là LPB, EIB, KLB, VPB… Ngược lại, nhiều mã khác vẫn chưa thể vượt lên trên tham chiếu là SHB, VIB, OCB, MBB, HDB, ABB…
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.768 tỷ đồng, giảm 7,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 7,8% xuống còn 13.586 tỷ đồng.
Khối ngoại sau phiên bán ròng hơn 600 tỷ đồng hôm qua đã quay trở lại mua ròng 378 tỷ đồng. VNM là mã được mua mạnh nhất 150 tỷ đồng. Ngoài ra, REE được mua gần 84 tỷ đồng, GAS được mua 68 tỷ đồng, CTG 48 tỷ đồng… Ngược lại, HPG tiếp tục là mã bị nhà đầu tư ngoại xả mạnh nhất với 211 tỷ đồng.