Một trong số các biện pháp khẩn cấp được Đức áp dụng để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng từ Nga là tăng cường sử dụng than. Theo đó, các công ty được yêu cầu cắt giảm tiêu thụ khí đốt trong khâu sản xuất điện và tận dụng năng lượng nhiệt điện than nhiều hơn.
"Than đá là lựa chọn duy nhất mà chúng ta đang có để tạm thời thay thế cho khí đốt từ Nga. Nguồn cung khí đốt hiện đang rất mong manh và chúng ta không có cách nào khác ngoài việc sử dụng nhiều than hơn", ông Siegfried Russwurm - Chủ tịch Liên đoàn Các ngành công nghiệp Đức cho hay.
Thách thức sẽ là không hề đơn giản bởi nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ phải đảm bảo có đủ năng lượng để duy trì hoạt động trong mùa Đông năm nay, trước khi các giải pháp dài hạn hơn như năng lượng hạt nhân hay khí tự nhiên hóa lỏng có thể giúp làm dịu cơn khát năng lượng.
Ông Siegfried Russwurm nói: "Chúng tôi cần phải tiết kiệm tất cả những gì có thể tiết kiệm, để đảm bảo các nhà máy vẫn có thể vận hành ổn định, trong bối cảnh nền kinh tế Đức vẫn sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Một năm nữa, chúng tôi sẽ có nhiều cảng khí tự nhiên hóa lỏng hơn, giúp đảm bảo nguồn cung tốt hơn".
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng đang tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông Axel - chủ một khách sạn tại Đức đã tìm tới các chuyên gia tư vấn năng lượng để thay thế hệ thống sưởi dùng khí đốt, bằng hệ thống bơm nhiệt nước nóng.
Bên cạnh đó, các tấm pin năng lượng mặt trời cũng đã được lắp đặt để cung cấp điện năng cho khách sạn, trong bối cảnh giá nhiên liệu hóa thạch liên tục leo thang.
"Chi phí hoạt động của chúng tôi vẫn ổn định và điều này giúp chúng tôi có thể duy trì mức giá ổn định đối với các khách hàng. Tôi nghĩ điều này sẽ giúp đảm bảo hoạt động của khách sạn trong tương lai", ông Axel Thien - chủ khách sạn tại Đức cho biết.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, trong số các doanh nghiệp châu Âu, các doanh nghiệp Đức là nhóm đang gặp nhiều khó khăn hơn cả do chi phí năng lượng leo thang. Nếu tình hình không sớm được cải thiện trong thời gian tới, hoạt động đầu tư và triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp được dự báo sẽ sụt giảm đáng kể, trong khi tỷ lệ vỡ nợ sẽ gia tăng nhanh chóng.
VTV.vn - Ngày 23/6, Chính phủ Đức đã kích hoạt giai đoạn 2 - "giai đoạn báo động" của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm ba giai đoạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.30135415052602202-gnoul-gnan-tuh-ueiht-ohp-iod-tav-tahc-cud-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv