Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ. Nếu có một giấc ngủ ngon vào ban đêm, trẻ sẽ cảm thấy tỉnh táo và khoẻ khoắn hơn, có thêm nhiều năng lượng hoạt động vào ban ngày. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chia sẻ, con mình mắc chứng khỏ ngủ, rối loạn giấc ngủ, thậm chí là tỉnh dậy nhiều lần vào ban đêm.
Trẻ 5 tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?
Khi trẻ lên 5 tuổi, chúng thường có những giấc ngủ giống như người lớn vào buổi trưa và buổi tối. Thông thường, trẻ trong độ tuổi này có thể ngủ từ 10 đến 13 tiếng mỗi ngày. Nhiều cha mẹ đã có thói quen rèn luyện cho con giờ giấc ăn ngủ cho đúng với nhịp học tập của các em bé tiểu học, tạo sẵn thói quen để bé không bị bỡ ngỡ.
Bên cạnh việc ngủ đủ, trẻ cần được đảm bảo ngủ đúng giờ, cả buổi trưa và tối. Việc ngủ quá sớm hay quá muộn sẽ ảnh hưởng đến những giấc sau, các hoạt động trọng ngày cũng sẽ bị ảnh hưởng không ít. Nếu ngủ muộn, trẻ sẽ dậy muộn, ảnh hưởng việc tắm nắng và ăn sáng, có thể gây ra bệnh còi xương và suy dinh dưỡng. Ngoài ra, việc đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt cho bé cũng rất quan trọng.
Ảnh minh hoạ.
Nếu trẻ 5 tuổi thường xuyên khó ngủ sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ?
Nhiều bố mẹ cho biết con mình không chỉ gặp phải tình trạng khó ngủ mà giấc ngủ cũng không sâu, đối khi còn mất ngủ, trằn trọc suốt cả đêm dù bố mẹ đã làm đủ mọi cách. Hậu quả là sáng hôm sau bé không muốn thức dậy, đòi ngủ thêm, cơ thể cùng tinh thần uể oải, kém sức sống. Một số vấn đề con có thể gặp phải nếu không có giấc ngủ ngon:
- Buồn ngủ, ngủ gật suốt cả ngày vì không có một giấc ngủ trọn vẹn vào ban đêm.
- Mệt mỏi, không tỉnh táo, thiếu sức sống.
- Trí nhớ kém, sự tập trung giảm sút, năng lực học tập bị ảnh hưởng.
- Dễ cáu gắt, xúc động hoặc luôn cảm thấy khó chịu.
- Trầm cảm, lo âu, buồn bã, sợ đi ngủ, dễ gặp ác mộng.
- Thiếu ngủ khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh khác.
Những ''thủ phạm'' khiến trẻ 5 tuổi khó ngủ
Đối với nhiều trẻ 5 tuổi, việc khó ngủ có thể bắt nguồn từ thói quen ban ngày hoặc các hoạt động ngay trước thời gian đi ngủ. Ví dụ, ăn quá nhiều thức ăn có đường trong ngày hoặc xem tivi, sử dụng các thiết bị thông minh (điện thoại, iPad) ngay trước khi đi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ. Điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong việc tạo mối liên hệ giữa thói quen và chất lượng giấc ngủ.
Những nguyên nhân phổ biến khác khiến trẻ 5 tuổi khó ngủ:
1. Ngủ quá nhiều vào buổi trưa
Trẻ 5 tuổi nên ngủ trưa từ 1 đến 1,5 tiếng mà thôi. Nhiều bố mẹ thấy con ngủ ngon có thể cho trẻ ngủ liền mạch từ 3-3,5 tiếng, điều này sẽ làm ảnh hưởng tới giấc ngủ buổi tối của con. Bên cạnh đó, các hoạt động buổi chiều của bé cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hãy cố gắng giữ thói quen ngủ đều đặn và đúng giờ cho bé nhé.
2. Ngủ không cố định giờ giấc
Đây cũng là một trong số những nguyên nhân khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái khó ngủ, lâu ngày dẫn đến trằn trọc, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm. Thông thường, trẻ nên ngủ từ 12h trưa đến 1h30 chiều, còn tối trẻ nên đi ngủ sớm từ 21h hoặc 21h30. Đặc biệt, cần rèn luyện và duy trì thói quen này cho bé trong một thời gian dài, cố gắng không làm gián đoạn.
3. Ăn uống không đủ hoặc quá nhiều trước khi ngủ
Việc trẻ quá no hay quá đói đều khiến bé rơi vào tình trạng khó ngủ. Khi con quá đói, bé sẽ cảm thấy thèm ăn, cồn cào ruột gan, việc chỉ nghĩ đến đồ ăn sẽ khiến bé khó chịu. Tuy nhiên nếu con quá no thì hệ tiêu hoá sẽ bị ảnh hưởng, bụng luôn trong trạng thái khó tiêu dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Không chỉ vậy, việc uống quá nhiều nước cũng là một trong số những nguyên nhân khiến trẻ hay buồn đi vệ sinh vào giữa đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bé.
4. Căng thẳng
Mặc dù còn rất nhỏ, nhưng trẻ 5 tuổi cũng có thể cảm thấy căng thẳng nếu chẳng may phạm lỗi, xảy ra mâu thuẫn với bạn bè hay hoặc khi bị bắt nạt. Ở nhà, trẻ có thể cảm thấy buồn bực, khó chịu nếu như bị ông bà, bố mẹ quát mắng, hoặc không được bố mẹ dỗ dành, tâm sự trước giấc ngủ. Nhiều phụ huynh cho biết, việc bố mẹ có thêm em bé cũng ảnh hưởng không ít đến thói quen, tính cách của bé lớn, làm con khó ngủ hơn khi không được nằm cạnh bố mẹ...
Ảnh minh hoạ.
5. Các loại đồ uống chứa chất kích thích
Nhiều loại nước ngọt và nước tăng lực có chứa chất kích thích có thể khiến trẻ tỉnh táo vào ban đêm. Tốt hơn hết, bố mẹ không nên để trẻ uống những loại đồ uống này vì chúng không tốt cho sức khoẻ, dễ gây nghiện khiến con mất hứng thú với ăn uống.
6. Những nỗi sợ hãi trước khi đi ngủ
Đối với trẻ em, cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng khi đi ngủ là một trong những lý do chính khiến bé khó đi vào giấc ngủ. Trẻ có thể sợ bóng tối hoặc có thể không thích ở một mình. Những đứa trẻ có trí tưởng tượng phong phú có thể nghe thấy tiếng động vào ban đêm và bắt đầu hình dung ra những nỗi sợ.
Ảnh minh hoạ.
7. Ác mộng
Đôi khi, trẻ 5 tuổi khó đi vào giấc ngủ vì lo lắng sẽ mơ thấy những điều đáng sợ. Việc đọc sách hoặc xem các chương trình truyền hình, phim kinh dị, bạo lực trước khi đi ngủ có thể làm cho trẻ có những giấc mơ xấu. Điều này khiến các bé tìm cách trì hoãn không muốn đi ngủ. Hoặc có thể khi đang ngủ bé gặp phải ác mộng và tỉnh giấc, sau đó vì sợ hãi nên không thể quay lại giấc ngủ ban đầu.
8. Sử dụng các thiết bị điện tử ngay trước giờ đi ngủ
Càng sử dụng thiết bị điện tử nhiều, trẻ càng có xu hướng bị gián đoạn giấc ngủ nhiều hơn và có thể ngủ ít hơn. Ngay cả việc xem thụ động (ví dụ như ngồi chung phòng khi cha mẹ đang xem tivi) cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Trẻ 5-6 tuổi xem các chương trình dành cho người lớn, thường ngủ ít hơn và bị rối loạn giấc ngủ nhiều hơn. Ngoài ra, nội dung được xem trước khi ngủ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ. Nội dung hấp dẫn hoặc gây rối có thể kích thích quá mức, khiến trẻ 5 tuổi khó ngủ hơn.
Ảnh minh hoạ.
9. Chơi các trò vận động mạnh
Đây là một trong số những lý do mà nhiều gia đình mắc phải, đó là khiến trẻ quá hưng phấn trước khi đi vào giấc ngủ tối. Các trò chơi này sẽ kích thích tính tò mò, hiếu động của trẻ, khiến não bộ của trẻ hoạt động hết công suất, đặc biệt một số trò chơi game căng thẳng hoặc phải suy nghĩ quá nhiều, sử dụng nhiều năng lượng... cũng sẽ khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ sau đó hơn.
Biện pháp giúp trẻ 5 tuổi ngủ ngon, không tỉnh giấc vào ban đêm
1. Đảm bảo không gian ngủ cho trẻ
Giường ngủ của con cần được thiết kế hợp lý và phù hợp với việc thư giãn, nghỉ ngơi, tránh để quá nhiều đồ chơi hoặc đồ vật không cần thiết xung quanh giường ngủ vì dễ làm con bị phân tâm, không muốn đi ngủ. Trước khi ngủ, bố mẹ cũng nên có những hoạt động nhẹ nhàng như đọc truyện cổ tích, tâm sự về những hoạt động xảy ra trong ngày, nói chuyện nhẹ nhàng, hát ru cho con... thay vì xem tivi hay chơi game.
Một khi đã nằm lên giường thì con cần được cảm thấy thoải mái, vui vẻ và không khó chịu. Có như thế, bé mới ngủ ngon giấc được.
Ảnh minh hoạ.
2. Chú ý nhiệt độ phòng ngủ và quần áo bé mặc
Con nên có những bộ quần áo ngủ vừa vặn, thoải mái, thoáng mát. Những bộ đồ có chất liệu này sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái, êm dịu trong suốt quá trình ngủ. Bên cạnh đó, phòng của bé cũng cần đảm bảo sự yên tĩnh nhất định, không quá ồn ào. Một số bé không thích sự tĩnh mịch vào ban đêm thì bố mẹ có thể sử dụng tiếng ồn trắng từ quạt có thể giúp trẻ dễ ngủ hơn.
Nhiệt độ phòng phù hợp cũng là yếu tố cần quan tâm, có thể điều chỉnh bằng cách giữ nhiệt độ phòng ngủ khoảng 25 độ vào ban đêm (lưu ý nhiệt độ phòng chứ không phải nhiệt độ của điều hoà). Nhiệt độ có thể điều chỉnh tùy thời tiết và không cách biệt quá nhiều so với bên ngoài.
Tạo ra một môi trường giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ là rất quan trọng vì có thể giảm bớt sự phân tâm khi bắt đầu đi ngủ. Với bộ khăn trải giường mềm mại, màu tối trong phòng và tương đối yên tĩnh có thể giúp con bạn phân biệt giữa ngày và đêm, giúp dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Ảnh minh hoạ.
3. Khuyến khích con có lối sống lành mạnh, năng động vào ban ngày
Một thực tế là nếu ban ngày trẻ ít hoạt động, không tiêu tốn calo hoặc năng lượng thì ban đêm cũng sẽ ngủ không ngon. Tập thể dục đều đặn 1 tiếng mỗi ngày hoặc vui chơi ngoài trời có thể ngăn ngừa tình trạng trằn trọc vào ban đêm ở trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, đừng để bé hoạt động mạnh trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ.
4. Dành thời gian trò chuyện cùng trẻ trước khi đi ngủ
Khoảng thời gian trước lúc đi ngủ là khi bố mẹ được nằm ôm ấp, vỗ về, tâm sự với con về mọi chuyện trong cuộc sống. Hãy nói những điều dịu dàng, dễ chịu thay vì quát mắng hay những thứ khiến bé phải suy nghĩ quá nhiều. Nhiều bé thường rất mong chờ thời gian vào buổi tối để có thể chơi đùa và trò chuyện tâm sự cùng cha mẹ. Ngay cả khi chỉ hỏi thăm trẻ về bạn bè hoặc sở thích của bé... cũng có thể giúp trẻ dễ ngủ và ngủ ngon hơn mỗi tối.
(Tổng hợp)
https://afamily.vn/tre-5-tuoi-tran-troc-kho-ngu-thuc-giac-dot-ngot-giua-dem-vi-8-thu-pham-ma-bo-me-khong-he-hay-biet-20220620110825405.chntheo San San
Phụ nữ Việt Nam