vĐồng tin tức tài chính 365

Thiếu thuốc nghiêm trọng và chỉ lệnh của Thủ tướng

2022-06-27 06:52

Tìm ra điểm nghẽn của pháp luật trong một lĩnh vực phức tạp hàng đầu như đấu thầu thuốc và vật tư y tế, từ đó đưa ra lời giải đúng đắn cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế thời gian qua là bài toán không dễ dàng. Nhưng dù khó, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan phải cấp bách ngồi lại để cùng giải phương trình hóc búa này theo chỉ lệnh của Thủ tướng.

Kết luận cuộc họp về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y (diễn ra chiều 23-6), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, từ đó “chỉ rõ các nội dung vướng mắc, nằm ở đâu, ai giải quyết”.

1. Tâm lý e sợ

Trước đó, lý giải về những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu thuốc, trong thông cáo phát ngày 17-6, Bộ Y tế cho biết nguyên nhân hàng đầu là “tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên các đơn vị không dám đấu thầu mua sắm; hoặc tỏ ra lúng túng, ngại thực hiện. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp”.

Thiếu thuốc nghiêm trọng và chỉ lệnh của Thủ tướng ảnh 1
Bệnh nhân mua thuốc tại một quầy thuốc của bệnh viện. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra là có thật. Điển hình như ở Vĩnh Phúc, kiểm tra 176 gói thầu mua sắm, cơ quan thanh tra phát hiện 52 gói thầu sai phạm về trình tự thủ tục. Hồ sơ 33 gói thầu, tổng giá trị hơn 144 tỉ đồng được chuyển công an để làm rõ. Với con số hàng chục gói thầu được chuyển công an để làm rõ, không thể nói là không run sợ được!

2. Những bất cập

Hiện nay có rất nhiều quy định điều chỉnh về đấu thầu, mua sắm thuốc và vật tư y tế. Nhưng nhiều người trong ngành y cho rằng những quy định này vẫn còn bất cập, không linh hoạt để điều chỉnh những thay đổi trên thực tế. Chẳng hạn, khoản 4 Điều 44 Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế quy định: “Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”.

Như vậy, có thể nói với cơ chế hiện hành, bất cứ ai, bất cứ lúc nào cũng có thể bị vướng vào hành vi “mua giá đắt” và kèm theo đó là những tháng ngày giải trình mệt mỏi với đoàn thanh tra.

Phải khẳng định ngay quy định này là cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để ngăn chặn, kiểm soát tình trạng loạn giá, thông đồng kê giá cao ngất ngưởng trong mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế. Nhưng ở chiều ngược lại thì như PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, từng phát biểu trên Pháp Luật TP.HCM: Nếu mua hàng hóa đã có giá rồi và không tăng thì có thể đối chiếu, còn khi giá tăng lên dù một chút thì khi đó luật chưa đủ linh hoạt để giải quyết tình huống.

Phát biểu thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng cho hay việc tham khảo giá trên các trang công khai của Bộ Y tế chưa đầy đủ hoặc có nhiều mức giá khác nhau tại một thời điểm hoặc thay đổi trong cùng một khoảng thời gian rất ngắn nên gây những nguy cơ tiềm ẩn sai phạm khi thực hiện mua sắm.

Nhưng ngay cả khi đã mua sắm theo đúng giá Bộ Y tế công bố thì trách nhiệm pháp lý cũng không phải đương nhiên được loại trừ. Như trong vụ Việt Á, các đơn vị đều thực hiện mua đúng giá Bộ Y tế công bố nhưng vẫn vướng vòng lao lý (dĩ nhiên, trong vụ này còn có yếu tố phong bì). Bởi mức giá 470.000 đồng/kit test này được kết luận là đã bị nâng khống lên gần gấp đôi và đơn vị nào mua kit test của Việt Á với giá đó chính là “làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cũng từng chỉ rõ bất cập về cơ chế liên quan đến đầu thầu thuốc, đó là cơ chế “càng rẻ càng tốt” và năm sau phải rẻ hơn năm trước. Thậm chí, có những trường hợp đấu thầu, trúng thầu, chọn giá rẻ nhất rồi nhưng sau đó vài tháng, một địa phương khác trúng thầu với giá thấp hơn lại phải áp theo giá đó...

Như vậy, có thể nói với cơ chế này, bất cứ ai, bất cứ lúc nào cũng có thể bị vướng vào hành vi “mua giá đắt” và kèm theo đó là những tháng ngày giải trình mệt mỏi với đoàn thanh tra.

3. Cơ chế để bảo vệ người làm đúng

Một thực tế nữa, trước đây khi không đủ thuốc và vật tư y tế, bệnh viện có thể vay mượn chính đơn vị cung ứng thầu để kịp thời cung cấp cho người bệnh, sau đó làm thủ tục hồ sơ cho đơn vị cho mượn trúng thầu để hợp thức hóa (không chỉ qua vụ Việt Á mà trước đó nhiều đơn vị cũng từng làm vậy). Nhưng hiện tại, nếu làm vậy rất dễ vi phạm vào quy định của pháp luật về đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu và nguy cơ vướng vòng lao lý rất cao.

Phân tích, dẫn chứng như trên để thấy rằng có những thông lệ, cách làm phổ biến trong lĩnh vực đấu thầu thuốc, nhờ đó mà không xảy ra tình trạng thiếu thuốc nghiêm trọng như gần đây. Nhưng vụ Việt Á đã trở thành “case study” khiến nhiều cơ sở y tế với cách làm bấy lâu nay phải e ngại tạm dừng, dẫn đến hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc gần như đóng băng.

Để hoạt động đấu thầu thuốc và vật tư y tế trở lại quỹ đạo vận hành ổn định, nhiệm vụ của Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã được Thủ tướng chỉ rõ. Vấn đề là mọi chuyện phải tiến hành cấp bách để hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, an toàn nhằm bảo vệ người làm đúng, ngăn ngừa người có ý định làm sai.

Bởi như Thủ tướng từng khẳng định: “Nếu các cơ quan, cá nhân thực sự vô tư, trong sáng, minh bạch, công khai và chống tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm thì các cấp, các cơ quan sẽ bảo vệ”.

Xem thêm: lmth.882686tsop-gnout-uht-auc-hnel-ihc-av-gnort-meihgn-couht-ueiht/nv.olp

“Thiếu thuốc nghiêm trọng và chỉ lệnh của Thủ tướng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools