Tuần vừa rồi (20/6-24/6), VN-Index mất tổng cộng 1,82 điểm, tương ứng 2,61% về mốc 1.185,48 điểm. Chứng khoán chưa công phá được mốc kháng cự 1.200 điểm. Cùng với đà giảm của chỉ số, thanh khoản cũng giảm đến 18%.
Giá trị khớp lệnh bình quân giảm 22% còn 13.966 tỷ đồng/phiên. HoSE thậm chí có 2 phiên cuối tuần khớp lệnh chưa đến 9.000 tỷ đồng.
Mở cửa phiên đầu tuần ngày 27/6, các chỉ số thị trường tăng điểm ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch. Hàng loạt cổ phiếu lớn thuộc nhóm ngân hàng, bất động sản, thép… tăng giá và góp phần kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.
Nhóm thép sau nhiều phiên bị bán mạnh đến phiên ngày 27/6 đã đảo chiều tăng điểm. HPG tăng 5,05% lên 22.900 đồng/cổ phiếu với hơn 20 triệu cổ phiếu được sang tay. NKG tăng hơn 6% lên 18.400 đồng/cổ phiếu, TLH tăng 6,5%, HSG tăng trần lên 17.000 đồng/cổ phiếu.
Nhóm bất động sản, xây dựng cũng bứt phá. NVL là mã tác động tích cực nhất tới thị trường chứng khoán khi tăng 6,4%, DXS tăng trần, EVG cũng kết phiên trong sắc tím...
Tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, cùng với đà tăng của VN-Index, nhóm này cũng biến động tích cực với nhiều mã tăng kịch trần như VND, APG, BSI, FTS, ORS, VIX, VCI… Dù vậy, các mã thuộc nhóm chứng khoán từ đầu tháng 4 đến nay đã mất 30-50% thị giá.
Bên cạnh nhóm chứng khoán, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng cũng giao dịch tích cực. Một số mã thuộc nhóm này nằm trong top những cổ phiếu tác động tích cực nhất tới thị trường là CTG, VPB, BID… Nhiều mã khác cũng được sắc xanh phủ bóng sau thời gian giao dịch ảm đạm là ABB, ACB, HDB, KLB, MBB, MSB, SHB, STB, TCB…
Tại nhóm cổ phiếu bán lẻ, diễn biến trái chiều khi PNJ tăng 6,15%, trong khi đó, FRT, MWG lại giảm điểm. Nhóm Vingroup có VIC giảm điểm, VRE tăng hơn 4%, VHM tăng nhẹ...
Hôm nay cũng là phiên giao dịch "nổi sóng" của nhóm đầu cơ. 3 mã thuộc “họ FLC" là FLC, ROS, HAI tím trần. Đây đã là phiên tím thứ 4 liên tục của nhóm này. Những nhà đầu tư kịp bắt đáy FLC đã có thể chốt lời mạnh sau 4 phiên giao dịch. Bên cạnh FLC, YEG của Yeah1 cũng nổi sóng, HAG tím trần, TDN của Nhà Thủ Đức cũng mang về cho nhà đầu tư 7%, NVT thuộc nhóm Nhựa Đồng Nai cũng kết phiên ở mức cao nhất ngày. TGG của Louis Capital cũng tăng kịch trần.
Ngược lại, một số mã giảm sàn như nhóm phân bón. Tại nhóm này, CSV, DCM, DPM… giảm kịch sàn. BFC cũng giảm biên độ gần 5%...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 17,34 điểm, tương ứng 1,46% lên 1.202,82 điểm. Toàn sàn có 340 mã tăng, 116 mã giảm và 58 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,49 điểm, tương ứng 1,63% lên 280,42 điểm. Toàn sàn có 145 mã tăng, 51 mã giảm và 44 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,04 điểm, tương ứng 1,19% lên 88,14 điểm.
Khối ngoại giải ngân 1.142 tỷ đồng nhưng bán ròng 891 tỷ đồng. Tính chung ngày 27/4, khối ngoại mua ròng 250 tỷ đồng. MWG là mã được mua nhiều nhất, khối lượng gần 60 tỷ đồng, MSN được mua 57 tỷ đồng, CTG được mua 51 tỷ đồng, VHM cũng được mua gần 50 tỷ đồng… DGC bị bán ròng 78 tỷ đồng, NVL bị bán 77 tỷ đồng…
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức khá thấp với tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.098 tỷ đồng, tăng 12,3%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 15% lên mức 9.757 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu trụ VN30 được sang tay gần 5.000 tỷ đồng.
Dự báo thị trường tuần này, Chứng khoán Bản Việt dự báo thị trường có thể xuất hiện quán tính giảm đầu tuần. Nếu lực mua ở vùng giá thấp được thúc đẩy thì VN-Index được kỳ vọng sẽ hồi phục để kiểm định trở lại mốc 1.200 điểm.
Chuyên gia từ SHS kỳ vọng thị trường có thể bắt đầu quá trình tích lũy cạn kiệt mang tính trung hạn. Nếu quá trình tích lũy xảy ra thì biên độ giao động của VN-Index sẽ thu hẹp lại và biên giao động trong vùng 1.160-1.300 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị nhà đầu tư chậm lại để quan sát động thái hỗ trợ thị trường của nhóm vốn hóa lớn. Đồng thời tận dụng nhịp tăng (nếu có) để hạ tỉ trọng tại các cổ phiếu có nguy cơ tiếp tục suy yếu.