Nhân ngày Báo chí 21/6 vừa qua, tôi gặp lại Vũ sau gần 3 năm chưa gặp nhau. Vũ từng tham gia quản lý truyền thông cho một số nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và làm việc theo dự án cho hãng hàng không quốc gia có đường bay đi - đến Việt Nam. Hiện anh chuyển sang làm cho công ty truyền thông sau khoảng thời gian công việc bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Các công việc của Vũ cho anh khoản thu nhập đáng mơ ước với rất nhiều người. Tuy nhiên, vì đặc thù nghề truyền thông mà anh lại phải chi rất nhiều cho việc gìn giữ, chăm sóc cho các mối quan hệ công việc. Đây là công việc nghe thì nhận nhiều nhưng giữ lại tiết kiệm thì chẳng được bao nhiêu.
Chính vì vậy, tôi và Vũ từng cùng quan điểm sẽ không mua nhà. Ở nhà thuê để dễ thay đổi chỗ ở, môi trường mới sẽ hỗ trợ sáng tạo. Vậy mà lần gặp này, tôi bất ngờ khi nghe Vũ chia sẻ sắp đổi nhà.
Vũ dự định đổi từ căn nhà thành phố đang tọa lạc ở vùng ngoại ô sang gần trung tâm và công ty hiện tại hơn. Anh không chia sẻ về căn nhà đầu tiên của mình trên mạng xã hội và cũng không nói riêng với tôi từ trước.
- Sao ông bảo không mua nhà?
- Mẹ tui ép (cười)
Chúng tôi mở đầu câu chuyện thay đổi nhận thức của chàng trai hơn 30 tuổi về vấn đề sở hữu nhà thành phố.
Khoảng cuối năm 2018 - đầu năm 2019, thời điểm mọi người chộn rộn mua bán bất động sản, thị trường lúc đó khá sôi động cho một số yếu tố kinh tế tích cực. Vũ vẫn là một thanh niên làm truyền thông năng động và chưa có suy nghĩ đến vấn đề mua nhà.
Bỗng một ngày, mẹ của anh ở Cần Thơ gọi lên và nói: "Con lớn rồi. Ăn chơi, bạn bè vậy cũng đủ rồi. Giờ là lúc nên có căn nhà thành phố để trú thân". Vũ kể lại câu nói của mẹ làm anh phải suy nghĩ về quyết định cho cuộc sống ổn định ở tương lai.
Sau gần 10 năm đi làm, Vũ để dành được 500 triệu đồng. Đây là số tiền không lớn so với nhiều người có mức thu nhập ngang anh. Thế nhưng lại là số tiền còn lại rất lớn sau những gì đã chi tiêu phục vụ cho các mối quan hệ công việc. Có ý chí mua nhà thành phố nhưng Vũ loay hoay rất nhiều nên chưa dám quyết định sẽ ký hợp đồng mua bán.
Lo lắng lớn nhất là vấn đề tài chính. Sau khoảng nửa tháng từ cuộc gọi kia, mẹ Vũ chủ động gọi điện thoại lên. "Con đang thiếu tiền đúng không? Không thấy báo về nên mẹ nghi nghi chuyện tài chính. Con kiếm nhà như thế nào rồi? Mẹ hỗ trợ một phần".
Ban đầu Vũ đinh ninh mẹ sẽ hỗ trợ khoảng vài trăm triệu nên chọn một căn hộ có giá trị thấp và đã sử dụng nhiều năm. Giá bán khoảng 1,2 tỷ đồng. Anh định mẹ cho 200 triệu cộng số tiền đang có, phần còn lại sẽ vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi trả dần trong 10 năm. Theo cách tính như thế, Vũ phải tiết kiệm mỗi tháng rất ít tiền trên tổng thu nhập cho căn nhà.
Vũ chia sẻ với mẹ dự định như vậy. Bà lại góp ý: "Con chọn nhà nhỏ vậy rồi sau này mẹ lên. Con có thêm vợ, con thì sống như thế nào. Ít nhất cũng phải hai phòng ngủ, tươm tất đàng hoàng. Con chọn căn tầm 2,5 tỷ. Mẹ hỗ trợ trước 1 tỷ".
Vũ kể lại đến đoạn này thì tôi thấy anh rưng rưng.
Sau khi nhận được hỗ trợ tài chính từ gia đình, Vũ thay đổi lựa chọn sang căn hộ của một dự án đã có sổ, có hai phòng ngủ như mong muốn của mẹ. Giá trị của căn nhà không cao như mong muốn vì anh là một người an toàn tài chính. Vũ chọn căn hộ có giá 2 tỷ đồng, ở rất xa so với trung tâm thành phố.
Bây giờ, sau gần 2 năm, Vũ bán lại căn nhà ấy cho chủ mới và lời được một khoản tiền kha khá - anh không nói rõ. "Nếu theo kiểu mua đi, bán lại như này tốt thì mình có thể trả lại tiền cho mẹ. Chỉ là chưa biết bao giờ thôi", Vũ tếu táo.
http://tintuc.vdong.vn/06/1404605.htmXem thêm: mth.52042907072602202-ohp-hnaht-ahn-aum-yt-1-ohc-em-ueirt-005-oc-mal-id-man-01/nv.ahos