Chi phí nhiên liệu tăng nên theo Cục hàng không, các hãng bay lỗ tầm 100 tỉ đồng/tháng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dù thị trường nội địa đã có lượng hành khách tăng tới 30% so với thời điểm trước đại dịch nhưng các hãng hàng không vẫn kêu khó. Giá nhiên liệu bay tăng kỷ lục khiến các hãng hàng không vẫn lỗ đều hằng tháng?
Khách chủ yếu ở thị trường nội địa
Theo thống kê của Cục Hàng không, quý 2-2022 lượng khách đi máy bay nội địa liên tục tăng từ 10-15% qua từng tháng và tăng gần 30% so với cùng thời điểm năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19). Trong 6 tháng đầu năm 2022 số chuyến bay tại các sân bay Việt Nam đạt 205.000 chuyến, lượng hành khách đạt 43,4 triệu khách, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với thị trường quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam mới khai thác ở mức 20-25% so với trước đại dịch. Số liệu thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm có gần 2,4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, bằng 11% so với cùng kỳ năm 2019.
Hàng không Việt Nam đang đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm 2022 là khôi phục tối đa các đường bay đến Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc; tăng tần suất với thị trường Trung Quốc đạt khoảng 30% so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Các hãng vẫn lỗ gần 100 tỉ đồng/tháng?
Thời điểm này, các hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục được nhiều đường bay, khách nội địa tăng cao nhưng do giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng liên tục khiến doanh thu của các hãng chưa bù đắp được chi phí. Theo ước tính của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không nội địa vẫn lỗ gần 100 tỉ đồng/tháng.
Thông tin trên được ông Đinh Việt Thắng, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết tại hội nghị giao ban thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ GTVT ngày 28-6.
Theo ông Trịnh Hồng Quang - phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, giá nhiên liệu bay lên 1 USD thì hãng này phát sinh chi phí nhiên liệu thêm 12 tỉ đồng. Trong khi đó giá nhiên liệu bay đang tăng liên tục trong năm 2022. Thời điểm năm 2019, cơ cấu chi phí xăng dầu chiếm 28-29% tổng chi phí khai thác của Vietnam Airlines, đến nay chi phí nhiên liệu chiếm 38-40%.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Vietnam Airlines ngày 28-6, lãnh đạo hãng này cho biết năm 2022 đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ đạt 45.252 tỉ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên hãng vẫn có kế hoạch lỗ tới 9.335 tỉ đồng.
Giải thích, ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng Vietnam Airlines, cho biết năm 2021 giá Jet A1 bình quân cả năm là 72 USD/thùng. Năm 2022 hãng xây dựng kịch bản bình quân năm 2022 là 138 - 140 USD/thùng, gấp 2 lần so với năm 2021.
Ngày 28-6 giá nhiên liệu đã lên trên 162 USD/thùng. Qantas - một hãng rất lớn của Úc - đã giảm hàng loạt chuyến bay nội địa cho tới năm 2023 do giá nhiên liệu tăng cao.
Với chi phí nhiên liệu tăng như hiện nay, ông Hiền cho rằng không có hãng hàng không nào kinh doanh có lãi. Ông cũng khẳng định nếu giá nhiên liệu bay trung bình 72 USD/thùng như năm 2021 thì với sự tích cực của thị trường như năm nay Vietnam Airlines vẫn lỗ, nhưng tối đa là 3.000 - 4.000 tỉ đồng.
Để giúp các hãng hàng không tránh bi kịch: bay nhiều hơn, khách đông hơn nhưng vẫn lỗ gần 100 tỉ đồng/tháng, ông Đinh Việt Thắng kiến nghị Bộ GTVT xem xét kiến nghị Chính phủ giảm thuế xăng dầu, hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hãng. Đặc biệt, ông Thắng đề nghị từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt giá vé hơn thời gian tới.
Vietnam Airlines tính bán 32 máy bay
Theo ông Đặng Ngọc Hòa - chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021 - 2025 đang được hãng này trình cấp thẩm quyền. Về tái cơ cấu đội bay, Vietnam Airlines sẽ đàm phán với bên cho thuê máy bay để giãn thời gian thanh toán, giảm giá thuê, lùi lịch nhận máy bay mới, hủy hợp đồng thuê máy bay chưa nhận.
Trong năm 2022, Vietnam Airlines sẽ chuyển đổi cấu hình 2 máy bay A321 thành máy bay chở hàng theo hình thức bán và thuê lại 2 máy bay này. Đặc biệt, sẽ bán 32 máy bay gồm 26 chiếc A321 CEO và 6 chiếc ATR 72 để có thêm dòng tiền và đổi mới đội máy bay.
Về tình trạng của Pacific Airlines (Vietnam Airlines nắm gần 99% vốn), ông Đặng Ngọc Hòa cho biết đến tháng 6-2022 tình hình "rất nghiêm trọng". Pacific Airlines bị đe dọa lớn khả năng mất thanh toán, phải chấm dứt hoạt động. Trong khi đó, việc lựa chọn nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc về cơ chế.
Theo ông Lê Hồng Hà - tổng giám đốc Vietnam Airlines, hãng này sẵn sàng phương án chỉ nắm 30% hoặc 0% vốn ở Pacific Airlines.
TTO - Ngày 6-6, tại phiên khai mạc Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia 2022), ông Đinh Việt Thắng, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cấp phép các hãng bay khai thác đến Việt Nam.
Xem thêm: mth.20743357092602202-ol-nav-gnohk-gnah-oas-iv-gnuhn-gnat-hcahk/nv.ertiout