Sau giai đoạn tích lũy kéo dài, thị trường chứng khoán đang có cơ hội lớn để thu hút dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại. Đón đầu xu thế này, các công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục cuộc đua tăng vốn ngàn tỉ đồng nhằm tăng cường tiềm lực, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Tấp nập phát hành cổ phiếu
Đến thời điểm hiện tại, các CTCK đang cấp tập triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được thông qua tại kỳ đại hội cổ đông vừa qua. CTCK Kỹ Thương Việt Nam (TCBS) cho biết Hội đồng quản trị công ty đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá 10.000 tỉ đồng nhằm nâng vốn lên mức hơn 21.000 tỉ đồng. Khi đó, TCBS sẽ là một trong những công ty có vốn chủ sở hữu cao nhất ngành, hạn mức cho vay ký quỹ (margin) cũng sẽ tăng lên hơn 40.000 tỉ đồng. "Việc tăng vốn này giúp công ty duy trì các chính sách ưu đãi cho khách hàng như miễn phí giao dịch cổ phiếu, phái sinh, chứng quyền và chứng chỉ quỹ niêm yết; vay ký quỹ ưu đãi với lãi suất từ 0,5%/năm. Đồng thời, góp phần củng cố vị thế hàng đầu của mảng Wealth (dịch vụ tư vấn đầu tư kết hợp tài chính - PV)" - đại diện TCBS nói.
Các công ty chứng khoán đua nhau tăng vốn nhằm đón đầu xu hướng dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tương tự, ông Đỗ Anh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong, cho biết dự kiến đến tháng 6-2023, tùy tình hình diễn biến thị trường, công ty sẽ triển khai phương án tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỉ đồng lên 4.000 tỉ đồng như kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua nhằm bảo đảm lợi ích của cổ đông.
Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) sẽ phát hành hơn 45,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và hơn 11,4 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, với tổng tỉ lệ 15%, qua đó tăng vốn điều lệ từ 3.806 tỉ đồng lên 4.377 tỉ đồng. Việc tăng vốn này giúp MBS đầu tư năng lực và bổ sung vốn kinh doanh.
Một loạt CTCK khác như VPBank Securities, Chứng khoán VIX, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam… cũng đang thực hiện phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên vài ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng.
Một thống kê cho thấy hiện "ngôi vương" vốn điều lệ ngành chứng khoán thuộc về Chứng khoán VPBank với 15.000 tỉ đồng, kế đến là Chứng khoán SSI với 14.911 tỉ đồng và xếp thứ ba là Chứng khoán VNDirect với 12.178 tỉ đồng.
Đón dòng tiền trở lại
Theo quy định, tổng dư nợ cho vay ký quỹ của một CTCK không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty đó. Do vậy, khi chứng khoán phục hồi mạnh, cuộc đua tăng vốn của CTCK sẽ còn gay cấn hơn nhằm tăng tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu vay ký quỹ của nhà đầu tư. Thực tế đã cho thấy trong giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán năm 2020-2021, các CTCK cũng đua nhau tăng vốn, có công ty tăng vốn đến 2 lần trong 1 năm nhưng vẫn không theo kịp nhu cầu vay ký quỹ của nhà đầu tư.
Đánh giá về cuộc đua tăng vốn hiện nay của các CTCK, chuyên gia tài chính - PGS-TS Nguyễn Văn Trình cho rằng xu hướng này là tất yếu giúp CTCK đón đầu dòng vốn rẻ có thể quay lại thị trường thời gian tới. Cụ thể, việc lãi suất huy động giảm liên tục thời gian qua có thể kéo một phần dòng tiền nhàn rỗi trở lại kênh đầu tư chứng khoán nhằm tìm kiếm mức sinh lợi cao hơn. "Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư sinh lợi cao và thanh khoản tốt nên các CTCK đón đầu sự sôi động của thị trường sắp tới là dễ hiểu. Tăng vốn cũng giúp nâng quy mô thị trường và nâng chất lượng của các loại hàng hóa trên thị trường này. Bởi có nguồn vốn lớn, CTCK sẽ có nguồn lực nâng cao chất lượng cán bộ - nhân viên tư vấn, quản lý, ứng dụng công nghệ mới; có nguồn lực hỗ trợ các nhà đầu tư trên thị trường" - PGS-TS Nguyễn Văn Trình nói.
Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cũng đồng tình với nhận xét CTCK tăng vốn để đón đầu khả năng thị trường phục hồi mạnh hơn trong thời gian tới. Nguồn lực của CTCK tốt lên sẽ có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn, cải thiện chỉ tiêu hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng giúp thị trường sôi động hơn. "Khả năng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi mạnh hơn những tháng cuối năm nhưng so với "sóng" lớn giai đoạn 2020-2021 thì không bằng. Chưa kể, nếu so với những ngành khác, cổ phiếu các ngành chứng khoán, bất động sản, ngân hàng đang không thật sự tích cực bằng. Do đó, các phương án tăng vốn phải phù hợp bối cảnh thị trường để thuyết phục cổ đông" - ông Phan Dũng Khánh nói.
Xem thêm: mth.46144111213503202-it-nagn-nov-gnat-aud-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.moc.dln