"Tương lai của chúng tôi là ở châu Âu. Chúng tôi đã sẵn sàng gia nhập NATO" - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gửi thông điệp vào ngày 1-6, khi ngoại trưởng các nước trong liên minh gặp nhau tại thủ đô Oslo của Na Uy.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào đầu năm ngoái đã đặt Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào thế báo động. Dù vậy, đến nay các thành viên của liên minh vẫn chia rẽ về việc kết nạp Kiev.
Các thành viên NATO ở khu vực Đông Âu ủng hộ Ukraine đã kêu gọi liên minh đưa ra "thông điệp rõ ràng" về việc này tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 7-2023.
Ngoại trưởng Lithuania, ông Gabrielius Landsbergis, nói rằng đã đến lúc NATO trả lời chắc chắn về việc kết nạp Ukraine, trong khi ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng cho biết Kiev cần một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ về chính trị.
Tuy nhiên, Hãng tin AFP dẫn nguồn các nhà ngoại giao trong liên minh cho biết thành viên quan trọng là Mỹ vẫn còn lưỡng lự. Washington đến nay vẫn hứa rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO vào... "một ngày nào đó".
Trong khi đó, quốc gia hàng đầu châu Âu là Đức tuyên bố NATO luôn rộng cửa chào đón các thành viên mới nhưng không thể kết nạp một nước đang có chiến tranh.
Nếu gia nhập NATO, Ukraine sẽ được bảo vệ bởi điều khoản phòng thủ tập thể của liên minh, theo đó tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ nếu Kiev bị tấn công.
Ngoài ra, một lựa chọn đang được cân nhắc là các nước sẽ đảm bảo an ninh cho Ukraine trước khi nước này trở thành thành viên đầy đủ của NATO.
"Chúng ta cần đảm bảo rằng lịch sử không lặp lại, rằng Nga thật sự ngừng kiểu hành động gây hấn đối với Ukraine. Vì vậy, chúng ta cần phải có sẵn các khuôn khổ để đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi chiến tranh kết thúc", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra đề xuất.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cũng kêu gọi NATO suy nghĩ về những đảm bảo an ninh có thể trao cho Ukraine. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng ủng hộ "những đảm bảo an ninh hữu hình và đáng tin cậy" cho Ukraine.
Tổng thống Lithuania, ông Gitanas Nauseda cho rằng NATO nên "đền bù" cho Ukraine nếu không kết nạp nước này. "Ukraine cần biết điều gì tiếp theo sau khi chiến tranh kết thúc", ông Nauseda nói.
"Chúng ta phải đảm bảo mạnh mẽ về quốc phòng cho Ukraine", Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna tuyên bố.
Theo AFP, ông Stoltenberg đang thúc đẩy cơ chế hỗ trợ 530 triệu USD mỗi năm trong một thập kỷ để Ukraine phát triển quân sự theo tiêu chuẩn của châu Âu. Đến nay, châu Âu đã gửi số vũ khí trị giá hàng chục tỉ USD cho Kiev.
Tương lai của Ukraine nằm trong NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh trong chuyến thăm đầu tiên tới nước này kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2-2022.