Tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc diễn ra vào sáng 1-6, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, trong ba năm tới phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300 km đường cao tốc.
Đây là nhiệm vụ rất lớn nên Chính phủ đã giao địa phương làm chủ đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc.
Cần kiên quyết với nhà thầu vi phạm tiến độ
Theo Bộ GTVT, trong năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của sáu dự án đường cao tốc gồm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025), Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường vành đai 3 TP.HCM và đường vành đai 4 Hà Nội, với tổng chiều dài khoảng 1.300 km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 500 km giao các địa phương triển khai.
Từ thực tế triển khai dự án cao tốc trong hơn 20 năm, Bộ GTVT nhận thấy một số tồn tại như quy định về trình tự đầu tư còn kéo dài, nhiều thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành; một số hướng dẫn của các bộ, ngành còn chưa cụ thể, rõ ràng, dễ gây các cách hiểu khác nhau khi triển khai. Thêm vào đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư thường chậm. Năng lực quản lý điều hành của các chủ đầu tư chưa đồng đều.
Với khó khăn trên, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Lê Quyết Tiến gợi ý kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án cần tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý (BQL) dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công…
Đồng thời kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm. Thậm chí đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng.
Cơ quan chức năng cắm mốc giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 đoạn đi qua địa phận TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Về kinh nghiệm lựa chọn nhà thầu, BQL dự án Mỹ Thuận cho rằng việc triển khai cần phải đảm bảo tiến độ, theo đó tổng thời gian thực hiện từ khi trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến khi ký kết hợp đồng chỉ tối đa 100 ngày. Trong đó, thời gian từ khi phát hành hồ sơ yêu cầu đến khi ký hợp đồng tối đa 45 ngày, trường hợp gói thầu lớn, phức tạp không quá 90 ngày.
“Quá trình đấu thầu nên xem xét việc thuê đơn vị có năng lực, kinh nghiệm đã thực hiện gói chỉ định thầu tương tự để triển khai thực hiện đảm bảo chặt chẽ và rút ngắn thời gian thực hiện công tác đấu thầu, đảm bảo tiến độ dự án…” - đại diện BQL dự án Mỹ Thuận chia sẻ.
GPMB phải đi trước một bước
Với vai trò là địa phương đang triển khai dự án đường vành đai 3, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng để dự án đường vành đai 3 khởi công trước ngày 30-6 tới, chính quyền TP và các địa phương xây dựng kế hoạch và quy chế phối hợp triển khai dự án để đảm bảo quá trình triển khai dự án đồng bộ, tổng thể. Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
Về công tác GPMB, TP.HCM xác định là nút thắt và có ý nghĩa then chốt quyết định tiến độ thực hiện dự án nên công tác này cần được quan tâm từ sớm, ngay từ bước chuẩn bị dự án.
“Với dự án đường vành đai 3, chúng tôi triển khai công tác rà soát, thống kê, kiểm kê, thu thập pháp lý, xác định nguồn gốc đất ngay sau khi dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Song song đó, địa phương mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo và quan trọng nhất là phải có sự quan tâm chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị để nỗ lực thực hiện đúng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch phục vụ thi công theo tiến độ...” - ông Lâm chia sẻ.
Cũng là địa phương đang triển khai nhiều dự án cao tốc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết để có thể GPMB sớm, đối với dự án đường vành đai 4, Hà Nội đề xuất và được cấp có thẩm quyền chấp thuận tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập.
Việc tách dự án thành phần có ưu điểm là triển khai GPMB không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc. Cạnh đó, có thể triển khai sớm công tác GPMB, đảm bảo việc GPMB đi trước một bước.
Với một dự án đầu tư công trình giao thông bình thường, chủ đầu tư cần ký hợp đồng với tổ chức làm nhiệm vụ GPMB của địa phương để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ. “Tuy nhiên để tăng tính chủ động của địa phương trong việc GPMB, Hà Nội giao nhiệm vụ trực tiếp cho các quận, huyện có tuyến đường vành đai 4 đi qua để thực hiện và vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho các địa phương để chủ động thực hiện…” - ông Tuấn chia sẻ.•
Sau năm 2025, triển khai thực hiện khoảng 900 km đường cao tốc
Bộ GTVT và các địa phương cũng đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700 km đường bộ cao tốc, trong đó địa phương thực hiện khoảng 400 km. Đồng thời đang thu xếp nguồn vốn để sau năm 2025 triển khai khoảng 900 km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 750 km.