Theo như bạn đọc Hồng Lộc phản ánh, ai về Rạch Giá (Kiên Giang) trên tuyến đường dài hơn 50km cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có thể nhìn thấy cảnh hành khách xuống xe đi vệ sinh kiểu "tự do" bên đường.
Không chỉ cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, mà cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và vài tuyến khác cũng vậy. Giả sử hành khách bị đau bụng không thể chịu nổi, buộc phải xuống xe thì sao? Họ đi vệ sinh chỗ nào?
Cùng bức xúc và đồng cảm, nhiều bạn đọc đã lên tiếng cho rằng đã đến lúc không thể xem việc đi vệ sinh, tiểu tiện là chuyện vặt nữa, mà phải chú ý đến nhu cầu tối thiểu này.
"Tôi có dịp đi tham quan bằng đường bộ xuyên thủ đô 13 quốc gia châu Âu, các cao tốc của họ đa phần cứ mỗi 10km có 1 trạm dừng chân sạch, đẹp, có công viên, nơi đậu xe thoải mái có băng ghế, nhà vệ sinh, siêu thị... Cứ km thứ 20; 40... là có thêm trạm xăng dầu... Dọc đường đều có biển báo, chỉ dẫn rất tiện lợi" - bạn đọc Lê Văn Thuận kể.
Tuy nhiên, cũng theo bạn đọc này: "Không thể so sánh với nước ta. Ở Việt Nam mình, có được đường cao tốc cũng là quý rồi. Nhưng mong sao cũng đừng vì thế mà bỏ qua những nhu cầu tối thiểu cho người tham gia giao thông trên cao tốc".
Từng đau khổ vì không có chỗ giải quyết nhu cầu tối thiểu này, bạn đọc nick name VQ chia sẻ: "Đã từng một lần bị chột bụng trên cao tốc Trung Lương nhưng không có 1 trạm dừng chân nào để tài xế có thể dừng lại. Thật kinh khủng!" Nhìn các nước người ta đều xây các trạm dừng nghỉ sau một đoạn cao tốc thấy thật hay ho và hợp lý...".
Là người tham gia giao thông trên cao tốc, ai trong chúng ta cũng có thể rơi vào trường hợp tương tự bạn đọc VQ, nên việc mong muốn có nhà vệ sinh là điều rất chính đáng.
Về ý này, bạn đọc Ton Vo viết: "Hành khách đi tiệc, đám cưới, uống bia ngồi ô tô lên cao tốc ai mà chả phải dừng xe ven đường, chắc chắn là không bao giờ nhịn được. Gặp cao tốc 2 làn xe không có làn dừng khẩn cấp thì thua... Lúc đó chỉ có nước đi tự do bên đường".
Không thể chấp nhận việc thiếu nhà vệ sinh trên đường cao tốc, bạn đọc Dũng bổ sung: "Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mấy chục km không có làn khẩn cấp, không có nhà vệ sinh, trong khi hai bên đường đất nông nghiệp không thiếu. Không hiểu lúc làm đường cao tốc các đơn vị thi công có chú ý đến việc này hay không. Làm cao tốc chứ đâu phải cấp tốc mà lem nhem như vậy?".
Bổ sung ý này, bạn đọc Trần Lý Minh viết: "Tôi đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu những người làm đường như vậy ngồi trên xe đi lui đi tới trên những con đường như vậy không nghỉ, để xem họ có nín được hay không. Từ đó họ sẽ phải làm đường thuận tiện, không xảy ra cảnh tréo ngoe như vậy nữa".
Phải tìm giải pháp cho vấn đề này, bạn đọc Lan Anh đề nghị: "Có lẽ cần sớm nghĩ đến tổ chức, giải pháp và công nghệ quản lý đảm bảo an toàn an ninh cho xe lưu thông trên đường cao tốc. Những cung đường dài như vậy có rất ít trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh...".
Trong lúc chờ đợi xây dựng thêm các trạm dừng chân, nhà vệ sinh, bạn đọc Mai Anh gợi ý: "Đã đến lúc các hãng sản xuất xe chở người số lượng nhiều nên thiết kế phương tiện cần có 2 toilet trên xe là điều tuyệt vời nhất"!
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh vừa ký quyết định công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình năm 2022, theo đó chi phí trung bình để làm 1km cao tốc 4 làn xe khoảng 186 tỉ đồng.