Dự thảo luật này một lần nữa được đệ trình hôm 11-5 vừa qua sau hai năm liên tục điều chỉnh, hoàn thiện.
Giữa tháng 6, Nghị viện châu Âu sẽ họp toàn thể, dự kiến thông qua AIA. Nếu được thông qua, luật này sẽ tiếp tục được ba bên gồm 27 nước EU, Nghị viện và Ủy ban điều hành bàn thảo chi tiết và sẽ được phê duyệt cuối cùng vào năm nay hoặc sang đầu năm 2024 để chính thức có hiệu lực. Theo đó trong năm 2024, AIA dự kiến sẽ là bộ luật toàn diện đầu tiên trên thế giới về AI.
EU phân cấp rủi ro
Bước điều chỉnh lớn nhất của AIA xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của các chatbot như ChatGPT khiến EU phải nhanh chóng đưa chúng vào tầm kiểm soát. Điểm nổi bật của AIA là điều chỉnh tất cả công nghệ tự động thay vì chỉ là các lĩnh vực quan tâm cụ thể, và đưa ra cách tiếp cận với các công nghệ AI dựa trên mức độ rủi ro: rủi ro không được chấp nhận, rủi ro cao và không bị cấm rõ ràng.
Bà Sarah Chander, cố vấn chính sách cấp cao của Bộ phận nghiên cứu luật công nghệ kỹ thuật số châu Âu (EDRi), cho biết: "Châu Âu là khu vực đầu tiên cố gắng điều chỉnh đáng kể AI, đây là một thách thức lớn khi xem xét nhiều loại hệ thống mà thuật ngữ rộng "AI" có thể bao hàm". Bởi vậy giờ đây AIA đang dần trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho việc quản lý AI.
Trong khi đó Canada cũng tham gia mạnh mẽ khi ban hành dự thảo Đạo luật Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (AIDA) vào tháng 6-2022. Phương pháp tiếp cận của AIDA đã được sửa đổi, khác với cách tiếp cận của EU vì nó không cấm sử dụng các công cụ ra quyết định tự động, ngay cả trong các lĩnh vực quan trọng.
Thay vào đó, theo AIDA, các nhà phát triển phải tạo kế hoạch giảm thiểu rủi ro và tăng tính minh bạch khi sử dụng AI trong các khu vực có rủi ro cao như các hệ thống xã hội, kinh doanh và chính trị.
Ai còn "lừng khừng" với AI?
Mỹ là nước tạo ra nhiều ứng dụng công nghệ AI nhưng tới nay chưa thông qua luật liên bang quản lý chúng. Thay vào đó, chính quyền của ông Biden cùng Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia (NIST) đã xuất bản nội dung hướng dẫn để sử dụng AI an toàn. Ngoài ra, gần đây chính quyền Biden cũng đã công bố Dự luật về Quyền của AI, giải quyết những lo ngại về việc lạm dụng AI và đưa ra các khuyến nghị để sử dụng AI an toàn ở cả khu vực công và tư.
Chiến lược AI này sẽ không ràng buộc về pháp lý. Thay vào đó, Dự luật về Quyền của AI kêu gọi các chiến lược an toàn thiết yếu như bảo mật dữ liệu, bảo vệ chống phân biệt đối xử bằng thuật toán, và hướng dẫn về cách ưu tiên các công cụ AI an toàn và hiệu quả.
Mặc dù kế hoạch chi tiết không ràng buộc về pháp lý, nhưng nó đóng vai trò hướng dẫn cho giới lập pháp ở tất cả các cấp chính quyền đang xem xét quy định về AI.
Còn ở cấp tiểu bang, chính quyền tiểu bang và thành phố đang theo đuổi những quy định và có lực lượng chuyên trách về sử dụng AI. Khác với mô hình EU, quy định cho đến nay nhắm vào các trường hợp sử dụng cụ thể hơn là tìm cách điều chỉnh toàn bộ công nghệ AI.
Cũng là một cường quốc AI như Mỹ, Trung Quốc đặt mục tiêu AI sẽ là ngành công nghệ mũi nhọn kiếm 154 tỉ USD hằng năm vào năm 2030. Bởi thế đất nước này cố gắng xây dựng hàng rào pháp lý để nâng đỡ ngành công nghiệp này hơn là tạo rào cản.
Do đó Trung Quốc vẫn chưa thông qua các quy tắc về công nghệ AI nói chung. Tuy nhiên gần đây quốc gia này đã đưa ra luật quy định minh bạch thuật toán, tức yêu cầu các công ty tư nhân thông báo cho người dùng AI mục đích tiếp thị và cấm sử dụng dữ liệu tài chính của khách hàng để quảng cáo cùng một sản phẩm với các mức giá khác nhau.
Tuy nhiên luật này không áp dụng cho việc sử dụng AI của các cơ quan Chính phủ Trung Quốc. Theo đó vào tháng 4-2023, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã công bố Dự thảo quản lý các dịch vụ AI tổng quát, cho biết họ muốn các công ty gửi các đánh giá bảo mật cho chính quyền trước khi đưa các dịch vụ ra công chúng.
Chưa đánh giá đúng mức nguy cơ?
Có thể thấy dù EU không giữ vai trò lớn trong phát triển các công nghệ ứng dụng AI tiên tiến nhưng lại đóng vai trò định hướng với các quy định có xu hướng trở thành tiêu chuẩn toàn cầu trên thực tế.
Trong khi đó, ở vai trò dẫn đầu phát triển công nghệ AI thì Mỹ và Trung Quốc lại tỏ ra khá thận trọng và không phản ứng mạnh mẽ để ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn của nó.
Điều này có thể xuất phát từ sự chủ quan cũng như chưa đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng của tình hình. Hạ nghị sĩ Jay Obernolte, đảng viên Cộng hòa ở California (dân biểu duy nhất ở Mỹ có bằng thạc sĩ về AI), trong phỏng vấn với báo New York Times đầu tháng 3 năm nay, cho rằng các nhà lập pháp thậm chí còn không hiểu nhiều về công nghệ AI.
"Bạn sẽ ngạc nhiên về việc tôi dành bao nhiêu thời gian để giải thích cho các đồng nghiệp của mình về những mối nguy hiểm chính của AI", ông Jay nói. Đồng tình với sự lo lắng này, dân biểu Don Beyer của Đảng Dân chủ bang Virginia, người đã không giành được sự ủng hộ cho dự luật yêu cầu kiểm toán AI, cho biết vấn đề "không cảm thấy cấp bách đối với các thành viên quốc hội".
Nhiều cảnh báo mạnh mẽ về AI
Sau thư ngỏ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, mới đây lãnh đạo của các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) như OpenAI, Google DeepMind, Anthropic cũng đã ký vào thư ngỏ có thông điệp cảnh báo về những hậu quả khủng khiếp, thậm chí là nhân loại bị hủy diệt, vì AI.
Vừa qua hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu AI hàng đầu và lãnh đạo công nghệ, trong đó có CEO Công ty OpenAI - ông Sam Altman, và CEO Công ty trí tuệ nhân tạo Google DeepMind - ông Demis Hassabis, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tương lai nhân loại. Họ đã cùng ký vào bức thư ngỏ gửi tới công chúng để cảnh báo về những rủi ro khôn lường từ AI.
Hàng loạt nguy cơ
"Việc giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng (của nhân loại) do AI phải là ưu tiên toàn cầu bên cạnh các rủi ro ở quy mô xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân" - bức thư ngỏ, với chữ ký của nhiều nhân vật nổi tiếng nhất trong ngành công nghệ, được Trung tâm An toàn AI công bố hôm 30-5.
Ông Dan Hendrycks, CEO Trung tâm An toàn AI, cho rằng cảnh báo về AI "gợi nhớ việc các nhà khoa học nguyên tử từng đưa ra cảnh báo về chính những công nghệ mà họ đã tạo ra".
"Có rất nhiều "rủi ro mang tính quan trọng và cấp bách từ AI", chứ không chỉ là nguy cơ tuyệt chủng. Chẳng hạn thiên vị có tính hệ thống, thông tin sai lệch, tấn công mạng... Đây đều là những rủi ro quan trọng cần được giải quyết" - ông nói thêm.
Trước đó, hồi tháng 3-2023, hơn 1.000 nhà nghiên cứu và chuyên gia công nghệ, gồm cả tỉ phú Mỹ Elon Musk, cũng đã ký vào bức thư kêu gọi tạm dừng phát triển AI trong sáu tháng. Họ cho rằng AI gây ra "những rủi ro sâu sắc cho xã hội và nhân loại".
Bức thư đó do tổ chức phi lợi nhuận chuyên về AI có tên Future of Life Institute đưa ra nhằm phản ứng việc Công ty OpenAI tung ra mô hình AI mới (GPT-4). Song lúc đó các nhà lãnh đạo của OpenAI cũng như tập đoàn đối tác của họ là Microsoft, và cả đối thủ Google lúc đó đã không ký vào bức thư và từ chối lời kêu gọi.
Tuy nhiên bức thư ngỏ hôm 30-5 đã nhận được sự ủng hộ từ các lãnh đạo khoa học và công nghệ của Microsoft, cũng như hai giám đốc điều hành của Google và cả CEO của OpenAI. Bức thư không đề xuất các biện pháp khắc phục cụ thể nhưng một số người cho rằng cần có một cơ quan quản lý quốc tế giống như Cơ quan Năng lượng nguyên tử của Liên Hiệp Quốc, IAEA.
Ông Geoffrey Hinton và ông Yoshua Bengio - hai trong số ba nhà nghiên cứu đã giành được Giải thưởng Turing cho công trình tiên phong của họ về mạng thần kinh và thường được xem là "cha đỡ đầu" của ngành AI - cũng đã ký thư ngỏ.
Can thiệp trước khi quá muộn
Theo Hãng tin AP, cùng với sự trỗi dậy của thế hệ chatbot AI mới như ChatGPT, nỗi lo về việc AI sẽ thông minh hơn người và không thể kiểm soát cũng gia tăng.
Các lãnh đạo trong ngành công nghệ kêu gọi giới hoạch định chính sách xây dựng các "hàng rào bảo vệ" và thiết lập các nguyên tắc để AI không còn nguy hiểm với con người trước khi quá muộn.
Ông Dan Hendrycks, giám đốc Trung tâm An toàn AI, chỉ ra một kịch bản nguy cơ đáng sợ nếu AI rơi vào tay kẻ xấu và những người này dùng nó để tạo ra "các vũ khí sinh học mới gây chết người nhiều hơn cả đại dịch".
Trong kịch bản khác, những kẻ xấu có thể "cố ý tung ra
loại AI bất hảo, có thể chủ động gây hại cho loài người". Theo ông Hendrycks, nếu AI bất hảo này đủ thông minh hoặc có đủ năng lực, thì "nó
có thể gây rủi ro đáng kể cho toàn xã hội". Một nỗi lo khác là AI có thể tự trở nên xấu xa, hành động ngược với thiết kế của nó.
BẢO ANH
Khủng hoảng sinh tồn vì AI?
Nếu ai đó thắc mắc khi nào AI bắt đầu thay thế công việc của con người thì câu trả lời là "ngay lúc này"!
Ngày 2-6 công ty tuyển dụng Challenger, Gray & Christmas có trụ sở tại Mỹ công bố báo cáo cho biết trong tháng 5-2023, đã có gần 4.000 người Mỹ bị mất việc vì AI.
Tờ Business Insider dẫn lời người phát ngôn công ty này cho biết báo cáo tháng 5 là lần đầu tiên AI được đưa vào danh sách nguyên nhân gây mất việc. Bên cạnh đó còn là nhiều đợt cắt giảm nhân sự lớn ở lĩnh vực công nghệ.
Challenger, Grey & Christmas dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục dù có thể một số doanh nghiệp còn do dự trong việc tiết lộ AI là yếu tố thúc đẩy sa thải. Hiện chưa rõ số lượng công việc do AI tạo ra được so sánh như thế nào với số việc bị mất vì công nghệ này.
Ông Greg Jackson, CEO Công ty Octopus Energy (Anh), cho biết AI đảm nhiệm việc trả lời hơn 1/3 số email khách hàng, tương đương công việc của khoảng 250 người tại công ty ông.
Trong tuần này, báo Washington Post đưa tin nhân sự trong ngành quảng cáo mất sinh kế vì người sử dụng lao động (hoặc khách hàng) cảm thấy ChatGPT có thể thực hiện công việc với mức giá rẻ hơn.
Có thể thấy từ một số ví dụ trên thế giới, làn sóng sa thải nhân sự vì AI đang diễn ra nhanh, với số lượng người lao động bị thay thế rất lớn. Điều quan trọng là dựa theo thực tế công việc, làn sóng này gần như không thể đảo ngược.
Vào tháng 3-2023, Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán AI có thể thay thế 300 triệu công việc toàn thời gian trên toàn cầu và ảnh hưởng đến gần 1/5 số việc làm.
Dù vậy, theo Đài CBS, các nhà phân tích lưu ý, giống như các công nghệ trước AI đã thay thế con người (như tự động hóa trong nhà máy), AI cũng sẽ sinh ra những việc làm mới và mọi thứ chỉ mới bắt đầu.
"AI tạo sinh (Generative AI) dự kiến sẽ trở thành công cụ tạo việc làm khổng lồ, vì ước tính thị trường AI trị giá 1.300 tỉ USD sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng và chi tiêu quảng cáo cho ngành công nghệ", ông Ben Emons, chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao của công ty đầu tư NewEdge Wealth (Mỹ), nhận định.
MINH KHÔI
AI Việt Nam tập trung phục vụ người Việt
Trong những năm qua, ngành trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với hàng loạt ứng dụng, sản phẩm đi sâu và tạo ra những tác động tích cực trong nhiều lĩnh vực.
Nhiều sản phẩm AI cho người Việt
Ngày 30-5 vừa qua, Công ty Cốc Cốc trình làng sản phẩm Cốc Cốc AI Chat tương tự ChatGPT nhưng miễn phí cho người Việt. Công cụ này hoạt động tương tự ChatGPT, tức người dùng có thể nhắn tin với robot như hai người nhắn tin cho nhau.
Điểm khác biệt nổi bật của Cốc Cốc AI Chat nằm ở năng lực hiểu tiếng Việt và xử lý linh hoạt, chính xác những nội dung truy vấn mang đặc trưng văn hóa Việt Nam - điểm hạn chế của hầu hết các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
"Kỳ lân" công nghệ Việt Nam, ví điện tử MoMo hiện đã gần như đưa AI vào mọi ngóc ngách của siêu ứng dụng này, như: hệ thống gợi ý sản phẩm, phân phối ưu đãi, bảo vệ người dùng...
MoMo cũng tăng cường tích hợp các giải pháp AI vào các sản phẩm liên kết cùng đối tác như FastMoney... Một trong những sản phẩm đang được đánh giá cao bởi các đối tác trong ngành tài chính - ngân hàng là giải pháp eKYC (định danh điện tử).
Nhà mạng Viettel từ đầu năm 2023 cũng đã đưa AI vào hoạt động giám sát điều hành mạng lưới. Với AI, hệ thống công nghệ thông tin của nhà mạng liên tục phân tích nhu cầu khách hàng và năng lực mạng lưới theo thời gian thực, nhận biết trước xu hướng phát triển, nhận diện tình huống sớm và đưa ra cảnh báo, yêu cầu xử lý giúp nâng cao trải nghiệm thoại, kết nối Internet của khách hàng...
Cuộc chơi triệu đô
Theo Hội nghị quốc tế về AI và trí tuệ tính toán năm 2020, Việt Nam hiện đứng thứ 21 trên thế giới về lĩnh vực AI. Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và trong Top 50 của thế giới.
Chiến lược này nhằm mục đích xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực và phát triển ba trung tâm dữ liệu lớn và máy tính hiệu suất cao quốc gia.
Tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, điểm chung dễ nhận thấy trong sự phát triển của ngành AI Việt Nam hiện nay là sự tham gia chủ yếu của các công ty công nghệ hoặc có thế mạnh về công nghệ. Việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI chưa được trải rộng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Mức độ công nghệ vẫn còn khiêm tốn so với thế giới...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vũ Anh, tổng giám đốc Cốc Cốc, nhận định: "Đây là một cuộc đua rất lớn cho các đơn vị phát triển công cụ tìm kiếm và cũng là cơ hội để chúng ta có thể xây dựng một sản phẩm tốt hơn cho người Việt. Tuy nhiên, AI là một lĩnh vực nghiên cứu đắt đỏ. Đơn vị tính theo triệu đô. Trong khi đó, nguồn lực (cả về tài chính và con người) không phải là thế mạnh của các doanh nghiệp công nghệ Việt như Cốc Cốc".
ĐỨC THIỆN
TTCT - Nhiều trường đại học ở Mỹ đã trải qua trọn một học kỳ đương đầu với thách thức mới xuất hiện: sinh viên lạm dụng các AI tạo sinh như ChatGPT và bắt nó làm bài luận thay mình.