Sáng 2-6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo nghị quyết, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024).
Trước đó, tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cũng đã trình bày tờ trình tóm tắt đề nghị xây dựng dự án luật này.
Luật dành riêng cho người chưa thành niên
Để có cơ sở cho việc đề xuất xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, TAND Tối cao đã tổng kết quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật liên quan đến đối tượng này.
Một phiên xử người chưa thành niên phạm tội tại TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM). Ảnh: SONG MAI |
Theo dự thảo báo cáo của TAND Tối cao, ngoài Hiến pháp, Việt Nam có nhiều bộ luật, luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tư pháp người chưa thành niên và hàng chục văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Các quy định này nằm tản mát ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên thiếu tính thống nhất, đồng bộ, thậm chí một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo nên hiệu quả thực thi chưa cao. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thay vì chỉ quy định ở một phần hoặc một chương của các đạo luật khác nhau, hiện nay hầu hết quốc gia đều có xu hướng xây dựng một đạo luật riêng để điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên.
Mục đích của việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên là nhằm xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên; nâng cao hiệu quả phòng, chống vi phạm pháp luật; bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên tham gia tố tụng và thúc đẩy việc tái hòa nhập của người chưa thành niên.
Báo cáo cũng nhận định thời hạn tối đa của hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên so với các chuẩn mực quốc tế là quá dài (18 năm đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi trở lên và 12 năm đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi)…
Thay đổi quyền truy tố của VKS
TAND Tối cao dự kiến xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên với sáu nhóm chính sách. Trong đó, đáng chú ý là việc dự luật sẽ cho phép VKS được quyền truy tố người chưa thành niên theo mức hình phạt chỉ bằng 1/2 mức hình phạt trong khung hình phạt tương ứng nếu đáp ứng ba điều kiện.
Thứ nhất, người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, hoặc người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu hoặc tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và không đủ điều kiện được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Thứ hai, có sự đồng ý, thỏa thuận với bị hại.
Thứ ba, bị can thú nhận hành vi phạm tội trước khi ra bản cáo trạng.
Theo TAND Tối cao, quy định hiện nay tại BLHS khiến VKS chỉ có quyền truy tố theo khung hình phạt luật định, trong khi thẩm quyền của tòa án được quyền tuyên mức án nhẹ hơn mức áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Điều này chưa bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.
Ngoài ra, BLHS chỉ quy định mức hình phạt cao nhất đối với người chưa thành niên không quá 3/4 mức phạt tù hoặc 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định nhưng chưa quy định cho phép giới hạn mức thấp nhất của khung hình phạt. Điều này dẫn đến thực tế nhiều trường hợp người chưa thành niên không đủ điều kiện quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự ở mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt đã truy tố là chưa phù hợp.
***
Về đề xuất thẩm quyền truy tố mới của VKS, trên số báo ngày mai, Pháp Luật TP.HCM sẽ giới thiệu ý kiến của các chuyên gia về hình sự, mời quý bạn đọc chú ý theo dõi!
Sáu chính sách của Luật Tư pháp người chưa thành niên
Chính sách 1 - Đổi mới, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện: Quy định thủ tục tố tụng thân thiện; cho phép VKS được quyền truy tố người chưa thành niên theo mức hình phạt chỉ bằng 1/2 mức hình phạt trong khung hình phạt tương ứng; quy định trình tự, thủ tục tố tụng đối với trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại phiên tòa theo hai giai đoạn.
Chính sách 2 - Xây dựng, hoàn thiện các quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên: Kế thừa, phát triển một số quy định hiện hành và sửa đổi, bổ sung như sau: Hệ thống hình phạt áp dụng với người chưa thành niên bao gồm: Cải tạo không giam giữ, giáo dục tại trường giáo dưỡng, tù có thời hạn; quy định cụ thể khung hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên.
Chính sách 3 - Xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp xử lý chuyển hướng. Chính sách này kế thừa, phát triển các quy định hiện hành về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự và sửa đổi, bổ sung như sau: Quy định điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; xác định bảy biện pháp chuyển hướng; quy định trình tự, thủ tục và thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng.
Chính sách 4 - Quy định cơ chế điều phối quốc gia về tư pháp người chưa thành niên.
Chính sách 5 - Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công tác xã hội trong tư pháp hình sự người chưa thành niên…
Chính sách 6 - Đổi mới cơ chế thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên…