Hội nghị được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của địa phương gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường, thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu thụ đa dạng của người dân Tây Ninh và cả nước.
Nhiều kỳ vọng lớn từ hội nghị
Với sự tham gia của hàng chục đơn vị sản xuất, doanh nghiệp tại hội nghị, nhiều kỳ vọng được đặt ra. Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Công ty cổ phần Tây Ninh - cho rằng khâu vướng mắc nhiều nhất là thương mại sản phẩm nên việc doanh nghiệp có cơ hội hợp tác với hệ thống bán lẻ lớn là điều rất cần thiết.
"Thông qua hệ thống phân phối lớn, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp được đẩy lên rất cao, từ đó tạo tiền đề để thâm nhập thị trường. Nếu doanh nghiệp muốn vươn mình ra biển lớn thì Saigon Co.op là chìa khóa", ông Sơn khẳng định.
Trong khi đó, với sản phẩm bánh tráng, ông Đặng Khánh Duy - đại diện Công ty Tân Nhiên (Tây Ninh) - cho biết nhiều dòng sản phẩm đã được xuất khẩu và cũng đưa vào hệ thống siêu thị, nhưng đơn vị vẫn mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Saigon Co.op nhằm đưa đặc sản của tỉnh nhà đi các nơi, thậm chí định hướng xuất khẩu.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Anh Tuấn - giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh - cho biết hiện tỉnh có 68 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), trong đó có nhiều sản phẩm thế mạnh như bánh tráng, muối, mãng cầu... Theo ông Tuấn, định hướng của tỉnh là đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp để nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo khâu đóng gói, nhằm hướng đến mục tiêu đưa các mặt hàng là thế mạnh của địa phương vào các hệ thống phân phối lớn.
"Sự kiện này đóng vai trò rất lớn trong việc đưa hàng hóa Tây Ninh lên hệ thống bán lẻ hiện đại. Đặc biệt, với vị thế và quy mô của Saigon Co.op trên cả nước nói chung và tại tỉnh nhà nói riêng, nhiều mặt hàng của chúng tôi sẽ sớm có mặt ở khắp cả nước, và ngược lại, người dân tỉnh nhà được sử dụng nhiều sản phẩm từ các địa phương khác", ông Tuấn kỳ vọng.
Đồng quan điểm đó, ông Dương Văn Thắng - phó chủ tịch tỉnh Tây Ninh - cho rằng sự kiện giúp kết nối giữa người sản xuất và nhà phân phối nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của tỉnh và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt trong thời điểm tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Theo ông Thắng, nhiều doanh nghiệp đánh giá rất cao tiềm năng đầu tư tại Tây Ninh, đặc biệt là nông nghiệp. Cụ thể, địa phương là cửa ngõ giao thương rất quan trọng, ít chịu thiên tai bão lũ và có hồ Dầu Tiếng với hệ thống kênh tưới tiêu có chiều dài hơn 2.000km...
"Ký kết chỉ là bước khởi đầu, sau hội nghị, kỳ vọng các doanh nghiệp lan tỏa phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển, hướng tới mục tiêu đưa Tây Ninh nằm trong các tỉnh đi đầu ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, Saigon Co.op sẽ hỗ trợ tối đa việc tiêu thụ nông sản, tiến đến xuất khẩu", ông Thắng nhận định.
"Tiên phong mở đường và nhận trái ngọt"
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Saigon Co.op, chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho biết đầu tư ra các tỉnh từ năm 2003 nhưng năm 2011 mới mở siêu thị đầu tiên tại Tây Ninh, tuy nhiên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, Saigon Co.op đã mở rộng mạng lưới lên 9 điểm bán tương ứng với 9 siêu thị Co.opmart phủ gần hết các huyện của tỉnh Tây Ninh gồm 2 siêu thị tại TP Tây Ninh, 2 siêu thị tại huyện Gò Dầu, 1 siêu thị tại huyện Châu Thành, 1 siêu thị tại huyện Dương Minh Châu, 1 siêu thị tại huyện Trảng Bàng, 1 siêu thị tại huyện Tân Biên và 1 siêu thị tại huyện Tân Châu với tổng quy mô đầu tư tại Tây Ninh tính đến nay là 632 tỉ đồng.
Theo hệ thống bán lẻ này, quy mô doanh thu năm 2022 của các điểm bán của Saigon Co.op tại Tây Ninh đạt hơn 1.000 tỉ đồng, chiếm hơn 30% tổng doanh số của khu vực Đông Nam Bộ; phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của hơn hàng trăm ngàn lượt khách hàng mỗi ngày.
Hiện Saigon Co.op đang thu mua hàng hóa của gần 30 nhà cung cấp của tỉnh Tây Ninh, chiếm hơn 15% tổng số nhà cung cấp của đơn vị, với đa dạng chủng loại, đặc biệt là hàng nông sản thiết yếu như rau, củ, quả, trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, gạo và các sản phẩm chế biến...
Tổng sản lượng hàng của tỉnh Tây Ninh cung ứng cho hệ thống khoảng 500 tấn/năm với giá trị gần 50 tỉ đồng.
Theo đại diện Saigon Co.op, việc phát triển tại tỉnh Tây Ninh cũng nghiên cứu nghị quyết của đại hội Đảng bộ các tỉnh để lên kế hoạch phát triển (gần hết các huyện).
Thêm vào đó, Saigon Co.op luôn mạnh dạn và tiên phong phát triển, đẩy mạnh giá trị thương hiệu TP.HCM và vai trò liên kết phát triển giữa Saigon Co.op và các tỉnh, khi chưa có đơn vị đầu tư thực hiện thì Saigon Co.op mạnh dạn thực hiện phát triển, đón nhận tình cảm, phục vụ bà con một cách chủ động, hợp tác sâu rộng với các thành phần kinh tế khác nhau tại các địa phương.
Saigon Co.op luôn đặt ưu tiên hàng đầu trong việc hỗ trợ phát triển hàng Việt trong hoạt động kinh doanh. Ngay từ đầu năm 2023, đơn vị đã tích cực, chủ động kết hợp cùng UBND các tỉnh thành nhằm phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa.
Kết nối với tỉnh Tây Ninh là hoạt động chiến lược của đơn vị nhằm triển khai một cách chuyên nghiệp hoạt động giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, thành với TP.HCM, từ đó vươn ra thị trường quốc tế", ông Đức khẳng định.
Saigon Co.op ký kết với 35 đơn vị
Tại hội nghị đã diễn ra hoạt động ký kết cung ứng sản phẩm giữa Saigon Co.op với 35 đơn vị là các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hoạt động ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, dược phẩm...
"Saigon Co.op tiếp tục cam kết ở mức độ cao nhất để thực thi các nội dung ký kết trong hội nghị hôm nay. Thời gian tới, với vị thế dẫn đầu của hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước, đơn vị đặt mục tiêu nâng quy mô thu mua hàng hóa của tỉnh lên 1.300 tỉ đồng/năm.
Hiện nay, chúng tôi đã giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động tại Tây Ninh với mức thu nhập bình quân đạt gần 120 triệu đồng/người/năm, cao hơn 25% so với bình quân của Đông Nam Bộ", ông Nguyễn Anh Đức (tổng giám đốc Saigon Co.op) nói.
Đặt 5 mục tiêu phát triển
Theo ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Saigon Co.op, đơn vị đăng ký 5 mục tiêu phát triển trong thời gian tới tại Tây Ninh gồm:
- Mở thêm các mô hình Co.opFood, Sense City, hệ thống vận tải, kho xưởng;
- Thúc đẩy chuyển dịch thương mại hiện đại, thương mại điện tử phù hợp với định hướng và quy hoạch của từng huyện có hệ thống Co.opmart trú đóng tại Tây Ninh;
- Đăng ký quy hoạch lại vùng nguyên liệu, phân công hóa để năm 2023 phấn đấu nâng lượng hàng hóa được thu mua tại Tây Ninh lên 1.300 tấn với tổng giá trị 100 tỉ đồng, và 2025 là 250 tỉ đồng;
- Nâng cao chuẩn mực hàng hóa kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn;
- Mong muốn đẩy mạnh liên kết với các hiệp hội, cơ quan tại địa phương để phát triển cách đồng bộ các ngành nghề, lĩnh vực.
Từng là địa điểm hành hương quen thuộc của người Nam Bộ, nhưng du lịch đến núi Bà Đen chỉ bứt phá khi có sự xuất hiện của những công trình quy mô, hiện đại.