Xót xa “đất đẻ ra vàng” bị bỏ hoang
Trên con đường đê hun hút dẫn ra khu vực nuôi tôm công nghiệp rộng lớn của địa phương, chị Nguyễn Thu Hằng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, thông tin với PV Người đưa tin: “Xã Đồng Rui có diện tích lớn nhất nhì của huyện Tiên Yên. Trước đây, người dân trong xã chủ yếu cấy lúa, trồng ngô nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Từ khi xuất hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp, cuộc sống của bà con thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều người không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên trở thành những ông chủ, bà chủ lớn với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm”.
Trong rất nhiều hộ ở xã Đồng Rui phất lên nhờ nuôi tôm công nghiệp có gia đình anh Phạm Xuân Hưng, ở thôn Hạ. Gia đình anh có 8 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi ao có diện tích khoảng 2.000 m2. Mỗi năm nuôi 2 vụ tôm, mỗi vụ kéo dài 3 tháng (những tháng mùa đông giá rét người nuôi phải “treo ao” vì tôm không chịu được lạnh) đem lại cho gia đình anh Hưng khoản lãi lên tới 400-500 triệu đồng/ao/vụ.
Vì “đất đẻ ra vàng”, hơn 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp tìm đến xã Đồng Rui khảo sát, xin đất làm dự án nuôi tôm công nghiệp, trong đó có Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương. Ngày 10/9/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 2362 cho Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương thuê gần 104 ha tại xã Đồng Rui để nuôi tôm công nghiệp bằng công nghệ sinh học trong thời gian 20 năm, thời gian hoàn thành dự án đến tháng 9/2015. Để dự án sớm hoàn thành đi vào hoạt động tạo công ăn việc làm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho địa phương, chỉ 1 ngày sau khi ra quyết định cho thuê đất, chính quyền tỉnh Quảng Ninh bàn giao đất trên thực địa cho công ty.
Tuy nhiên, đến nay, Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghiệp bằng công nghệ sinh học tại khu 2 và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2017. Còn toàn bộ khu 1 có diện tích 43 ha, công ty để hoang cỏ dại mọc quá đầu người khiến người dân địa phương, nhất là những hộ có nhu cầu mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp xót xa. Họ bày tỏ nguyện vọng chính quyền tỉnh Quảng Ninh sớm tiến hành thu hồi diện tích “đất đẻ ra vàng” này giao cho đơn vị khác có năng lực hoặc cho người dân thuê lại.
Sớm thu hồi nếu doanh nghiệp tiếp tục “ôm đất”
Theo đại diện chính quyền huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, nhận được phản ánh của người dân và chính quyền xã Đồng Rui về việc Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương “ôm đất” rồi bỏ hoang, từ năm 2017 đến năm 2021, UBND huyện Tiên Yên nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tiến độ dự án và việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng đối với dự án nuôi tôm công nghiệp bằng công nghệ sinh học của doanh nghiệp này.
Kết quả các cuộc kiểm tra cho thấy, tại khu 2, chủ đầu tư cơ bản hoàn thành hồ chứa nước ngọt, hồ chứa nước mặn, ao nuôi tôm thương phẩm, ao ươm giống và đưa vào sản xuất với tổng diện tích khoảng 60 ha. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích khoảng 43 ha tại khu 1, Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương chưa đưa đất vào sử dụng, vi phạm điểm i, khoản 1, điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Ngày 7/10/2021, UBND huyện Tiên Yên có Tờ trình số 239 đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Ninh thu hồi phần diện tích 43 ha Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương bỏ hoang nhiều năm để địa phương giao cho nhà đầu tư có tiềm năng tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất. Trong khi chờ chính quyền tỉnh Quảng Ninh tiến hành thu hồi đất, ngày 16/2/2022, UBND huyện Tiên Yên làm việc với Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương vận động trả lại 43 ha đất dự án bỏ hoang. Tuy nhiên, phía công ty từ chối trả lại.
Cuối tháng 5/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai đăng tải trên cổng thông tin điện tử thông tin về 19 dự án được giao đất trên địa bàn nhưng bỏ không vi phạm quy định pháp luật đất đai, trong đó có dự án nuôi tôm công nghiệp bằng công nghệ sinh học của Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên. Đây được coi là động thái rộng đường dư luận của chính quyền tỉnh Quảng Ninh trước khi tiến hành thu hồi phần diện tích bỏ hoang của dự án này.
Thái Phan- Tân Thắng