Tháng 3-1973, không lâu sau Hiệp định Paris, Việt Nam thành lập Văn phòng tìm kiếm người mất tích (VNOSMP), với mục tiêu tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh.
50 năm sau, một buổi lễ kỷ niệm được tổ chức tối 8-6 tại Hà Nội với những câu chuyện cảm động đến từ cả Mỹ và Việt Nam. Sự kiện cũng đánh dấu 35 năm hoạt động tìm kiếm người mất tích (MIA) hỗn hợp Việt - Mỹ.
"Tôi tự hỏi tại sao mình lại đi tìm người Mỹ?"
Đó là câu hỏi tự vấn của ông Trần Khánh Phôi, đại diện đội MIA tỉnh Quảng Trị, tại lễ kỷ niệm ngày 8-6. Năm nay tròn 30 năm ông Phôi tham gia công tác MIA và cũng là năm cuối ông chính thức theo việc này.
Những ngày đầu tiên đi hoạt động MIA, ngoài việc được phân công "nhiệm vụ" thì với ông đơn giản chỉ là sự tò mò, muốn tìm hiểu. "Mặc dù, lúc đó, tôi cũng không ít lần tự hỏi tại sao mình lại phải đi tìm kiếm người Mỹ mất tích, khi thực tế họ đã mang đến cho gia đình tôi quá nhiều đau thương, mất mát".
Tuổi thơ của ông gắn liền với những tang thương của chiến tranh. "Tôi nhớ hình ảnh của ba tôi bị một người lính Việt Nam Cộng hòa bắn chết ngay trước cổng nhà lúc tôi vừa tròn 6 tuổi. Tôi nhớ và mường tượng lại hình ảnh của mẹ tôi cùng chị gái khóc khi anh trai tôi mất chưa đầy một năm sau đó.
Anh trai tôi trốn nhà đi bộ đội lúc mới 17 tuổi, 20 tuổi anh tôi bị bắt trong một trận đánh và bị giam ở nhà lao Non Nước của Đà Nẵng...
Tôi cũng nhớ rất rõ cái chết của chị gái mình vào ngày 23-1-1976. Lúc bấy giờ tôi cũng đã lớn, 14 tuổi. Chị tôi chết ngay trước mặt tôi, ngay trên mảnh đất vườn nhà tôi khi đang tham gia lực lượng rà phá bom mìn.
Tôi nhớ tất cả những đau thương mất mát mà chiến tranh - và đương nhiên không thể thiếu vai trò của người Mỹ - đã để lại cho gia đình tôi", ông Phôi kể lại.
Ông nghẹn ngào lau nước mắt khi nhớ về những ký ức đau thương của gia đình. Cả khán phòng im lặng, chỉ còn những tiếng sụt sùi.
Bước chuyển biến với ông Phôi đến vào năm 1989 sau khi ông học từ Liên Xô (cũ) về nước. Một người anh trai của ông thiệt mạng ở Campuchia khi đang làm nhiệm vụ. Hài cốt sau đó được đưa về quê chôn cất sau một thời gian nằm ở nước bạn.
"Sau này, nhớ lại mẹ mình, tôi hiểu được tấm lòng của tất cả những người mẹ mất con...", ông Phôi chia sẻ về bước ngoặt tham gia MIA từ năm 1993 dù lúc ấy, như ông chia sẻ, "trong tôi vẫn còn nhiều thù hận với người Mỹ".
Sau 30 năm ấy, nhiều suy nghĩ trong ông đã thay đổi. "Những người Mỹ bình thường không có lỗi. Và vì vậy, tôi cũng không còn thù hận ai. Nếu có chăng, chỉ là thù hận chiến tranh, ghét bỏ chiến tranh, với mong muốn đừng bao giờ có chiến tranh dù bất cứ ở đâu, với bất cứ ai và với bất cứ lý do gì", ông Phôi bộc bạch.
Vượt qua nghịch cảnh lịch sử
Cũng có mặt trong lễ kỷ niệm 50 năm VNOSMP và 35 năm hoạt động MIA hỗn hợp còn có Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper - con của một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, cựu đại tá Roger Knapper.
"Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh Phôi. Thật sự xúc động trước lịch sử bi thương của gia đình anh ấy", ông Knapper chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bên lề lễ kỷ niệm.
"Nhưng hành trình cá nhân của anh Phôi, đi từ căm ghét Mỹ đến chuyện cùng ngồi xuống và làm việc với chúng tôi, vì lý do nhân văn là hỗ trợ tìm kiếm hài cốt của các quân nhân Mỹ thực sự là một câu chuyện cảm động về niềm hy vọng của con người, của sự tha thứ và hòa giải", đại sứ Mỹ bộc bạch.
Đại sứ Knapper cũng cho biết những câu chuyện như của ông Phôi đã cho thấy nỗ lực hòa giải, tinh thần thiện chí và cả hy sinh giữa hai nước Việt Nam - Mỹ lớn như thế nào trong 50 năm qua.
"Đó là một nỗ lực còn trước cả khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Tôi cảm thấy thực sự vinh dự và rất xúc động khi được ở đây nhân dịp đặc biệt này", ông Knapper chia sẻ.
700 hài cốt người Mỹ được tìm thấy
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, các lãnh đạo đương nhiệm và trước đây của VNOSMP gồm ông Lê Công Tiến và Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã chia sẻ về những khó khăn buổi đầu về công tác MIA với người Mỹ.
Thứ trưởng Ngọc chia sẻ thách thức lớn nhất trong vấn đề MIA lúc đầu ở Việt Nam là xây dựng sự đồng thuận ở tất cả các cấp. Nhiều người vẫn tự hỏi vì sao phải giúp người Mỹ trong khi hàng vạn chiến sĩ Việt Nam vẫn chưa được tìm thấy.
Vượt qua tất cả, hợp tác MIA đã cho thấy đây là lĩnh vực hợp tác chính thức với quy mô, mức độ và thời gian triển khai chưa từng có trong quan hệ Việt - Mỹ.
Hơn 700 người Mỹ mất tích đã được tìm thấy hài cốt và hồi hương. Một đoạn clip đặc biệt xúc động đã được phát tại lễ kỷ niệm tối 8-6, ghi lại những lời cảm ơn từ tận đáy lòng của những người Mỹ mất con, mất anh trai hay chồng.
Nhưng trong hành trình vì mục đích nhân đạo đó, đã có những mất mát xảy đến với cả hai phía. 16 người (9 người Việt Nam và 7 người Mỹ) đã thiệt mạng khi chiếc trực thăng chở họ làm nhiệm vụ MIA rơi xuống Quảng Bình vào tháng 4-2001.
Hiện vẫn còn khoảng 1.200 người Mỹ mất tích chưa được tìm thấy.
Dưới tác động của thời gian, môi trường và chiến trường xưa đã thay đổi. Các nhân chứng, những người từng biết hoặc có manh mối dẫn đến nơi tìm thấy các trường hợp mất tích, cũng như lá cuối thu.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ câu chuyện cảm động về một cụ bà Việt Nam chỉ còn hai cái răng nhưng vẫn quyết giữ chúng vì muốn nhận diện con trai là liệt sĩ.