Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã lần đầu tiên phát hiện các hạt vi nhựa cũng tồn tại trong các đám mây. Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các chi tiết vì các hạt vi nhựa trong các đám mây có thể ảnh hưởng đến khí hậu và có hại cho cơ thể con người.
Đây là loại hạt gây lo ngại về tác động đối với hệ sinh thái đại dương. Người ta cho rằng các hạt vi nhựa được đưa vào khí quyển khi nước biển ngưng tụ thành mây.
Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là giáo sư Hiroshi Okochi của Đại học Waseda, đã kiểm tra 44 mẫu nước lấy từ các đám mây ở đỉnh và chân núi Phú Sĩ cũng như đỉnh núi Tanzawa-Oyama, phía tây Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa.
Phân tích các mẫu, nhóm nghiên cứu tìm thấy tổng cộng 70 hạt vi nhựa, có thể được phân thành 9 loại. Các hạt đo được từ 7,1 - 94,6 micromet và với nồng độ trung bình từ 6,7 - 13,9 hạt/lít.
Cho đến nay người ta biết rất ít về tác động mà các hạt này có thể gây ra, nhưng chúng có thể bao gồm tác động đến khí hậu.
Theo đó, hạt vi nhựa có thể trở thành một số "hạt giống" khiến các giọt mây xung quanh ngưng tụ thành hạt mưa, do đó làm tăng lượng mây thoát ra và tổng lượng mưa.
Các nhà nghiên cứu cho biết các hạt vi nhựa trong đám mây rơi xuống đất dưới dạng nước mưa sau đó có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua các sản phẩm nông nghiệp và vật nuôi, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
TTO - Các hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong các sản phẩm cá khô trên khắp châu Á, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản, theo một nghiên cứu được Đại học Tôn Trung Sơn của Đài Loan (NSYSU) thực hiện.