Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 8/6 giảm 50.000 đồng/lượng so cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào và hiện đứng ở mức 66,40 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 24 USD xuống 1.939,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục lên trên 1.945 USD/ounce và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,88 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.714 đồng/USD, tăng nhẹ 1 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.320 – 23.660 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 26.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã chững lại và gần như chỉ dao động nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,27 USD (+0,37%), lên 72,80 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,24 USD (+0,31%), lên 77,19 USD/thùng.
VN-Index mất hơn 8 điểm
Áp lực chốt lời dần gia tăng ở nửa cuối phiên khiến bảng điện tử đổi sắc với số mã giảm lấn át, dù vậy, cổ phiếu lớn VCB đóng vai trò trụ đỡ phiên này hoạt động tốt giúp chỉ số không giảm mạnh và vẫn giằng co nhẹ quanh tham chiếu.
Tuy nhiên, trong phiên ATC, lực bán đã bất ngờ gia tăng mạnh và lan rộng hơn, nhà đầu tư không kịp trở tay khiến VN-Index rơi thẳng về gần 1.100 điểm khi đóng cửa.
Cổ phiếu lớn nhất thị trường là VCB vẫn là điểm sáng nhất trong phiên này, khi đóng góp hơn 3,5 điểm tích cực cho VN-Index khi tăng 3,1% lên 100.000 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất lịch sử (tính theo giá điều chỉnh), vốn hóa thị trường vượt 473.200 tỷ đồng, tương đương hơn 20 tỷ USD.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8,23 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 280,51 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 8/6: VN-Index giảm 8,22 điểm (-0,74%), xuống 1.101,32 điểm; HNX-Index giảm 3,55 điểm (-1,54%), xuống 226,78 điểm; UpCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,65%), xuống 84,02 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq đóng cửa giảm trong phiên thứ Tư (7/6), khi các nhà đầu tư chốt lời ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn trước các sự kiện kinh tế và chính sách quan trọng vào tuần tới.
Chỉ số các cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell 2000 tăng 1,78%, khi các nhà đầu tư tiếp tục rời xa cổ phiếu megagap và cổ phiếu tăng trưởng sau khi chúng đã tăng mạnh trong thời gian qua và giúp S&P 500 tăng gần 20% so với mức thấp nhất vào tháng 10/2022.
Tuần này, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ dự kiến được công bố vào tuần tới, trước khi Fed hoàn tất cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày vào ngày 13-14/6.
Kết thúc phiên 7/6, chỉ số Dow Jones tăng 91,74 điểm (+0,27%), lên 33.665,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,33 điểm (-0,33%), xuống 4.267,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 171,52 điểm (-1,29%), xuống 13.104,90 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, sau khi cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị chốt lời sang phiên thứ hai liên tiếp.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,85% xuống 31.641,27 điểm. Chỉ số Topix mất 0,67% xuống 2.191,50 điểm.
"Thị trường vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi trạng thái quá nóng. Cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu liên quan đến chất bán dẫn, vốn đang tăng gần đây đang bị bán tháo" chiến lược gia Miki Sawada của Nomura cho biết.
Điểm đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài kéo dài chuỗi mua ròng của chứng khoán Nhật Bản sang tuần thứ 9, được hỗ trợ bởi tâm tích cực toàn cầu và đà tăng của các cổ phiếu liên quan đến chất bán dẫn.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã mua 342,18 tỷ yên (2,45 tỷ USD) cổ phiếu Nhật Bản vào tuần trước. Họ đã mua cổ phiếu tiền mặt trị giá 535,25 tỷ yên nhưng bán các công cụ phái sinh trị giá 193,07 tỷ yên.
Tổng lượng mua ròng cổ phiếu Nhật Bản của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm 2023 đã lên tới khoảng 6,65 nghìn tỷ yên, trong khi cùng kỳ năm ngoái bán ròng khoảng 1,73 nghìn tỷ yên.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu là cổ phiếu tài chính và bất động sản, nhờ việc các ngân hàng lớn chính thức cắt giảm lãi suất tiền gửi, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu giá tiêu dùng tháng 5 được công bố vào ngày mai để tìm hướng đi tiếp theo.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,49% lên 3.213,59 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,81% lên 3.820,19 điểm.
Diễn biến ngành ở Trung Quốc trái chiều, với cổ phiếu bất động sản kéo dài đà tăng, trong khi cổ phiếu truyền thông và trí tuệ nhân tạo mất đà.
Phiên này, cổ phiếu các ngân hàng tăng 2% sau thông tin các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã hạ lãi suất tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ.
Trong một cuộc họp cùng ngày, Yi Huiman, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, cho biết cơ quan quản lý rất coi trọng việc giám sát thị trường vốn và sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và giám sát các hành vi giao dịch trên thị trường.
Những người tham gia thị trường đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu giá tiêu dùng tháng 5 sẽ được công bố vào thứ Sáu. Cuộc thăm dò của Reuters cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,2%, cho thấy nhu cầu tiếp tục yếu đi.
Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu tài chính, bất động sản đã giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ đà sụt giảm của cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,25% lên 19.299,18 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm nhẹ 0,01% xuống 6.540,03 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm sau ba phiên tăng liên tiếp, bị đè nặng bởi những lo lắng về việc tiếp tục thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 4,75 điểm, tương đương 0,18% xuống 2.610,85 điểm
Trên toàn cầu, Ngân hàng Trung ương Canada hôm thứ Tư đã tăng lãi suất qua đêm lên mức cao nhất trong 22 năm.
"Việc tăng lãi suất của Canada, theo sau Australia, đã thổi bùng lo ngại về các đợt tăng lãi suất bổ sung của Fed trước cuộc họp vào tuần tới", nhà phân tích Lee Kyoung-min tại Daishin Securities cho biết.
Kết thúc phiên 8/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 272,47 điểm (-0,85%), xuống 31.641,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,83 điểm (+0,49%), lên 3.213,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 47,18 điểm (+0,25%), lên 19.299,18 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 4,75 điểm (-0,18%), xuống 2.610,85 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Hạ lãi suất mới giải quyết một phần nỗi lo
Nhu cầu tín dụng của từng doanh nghiệp là khác nhau nên việc hạ lãi suất sẽ có những tác động khác nhau và mới chỉ giải quyết được một phần khúc mắc của các doanh nghiệp..>> Chi tiết
- Để không "chết" trong uptrend
Tâm lý thị trường chứng khoán đang nghiêng dần theo chiều hướng tích cực, dòng tiền ngắn hạn nhập cuộc thể hiện qua thanh khoản thị trường cải thiện tốt trong vài tuần gần đây. Nhưng sau đợt sụt giảm mạnh kéo dài của thị trường, nhà đầu tư cũng có phần cẩn trọng hơn để “không chết trong uptrend”..>> Chi tiết
- Khối ngoại cũng "đánh sóng ngắn"
Hai tháng qua, mặt bằng lãi suất giảm góp phần giúp dòng tiền nhà đầu tư nội có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán, nhưng khối ngoại lại có động thái bán ròng..>> Chi tiết
- PYN Elite: Nhà đầu tư cá nhân đang chuyển tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán
Chỉ số VN-Index tăng 2,5% trong tháng 5, nhờ vậy, hiệu suất đầu tư tháng 5 của quỹ ngoại PYN Elite đạt mức tăng 1,8%, với động lực chính tới từ VHM và STB..>> Chi tiết
- Trung Quốc: Các ngân hàng lớn cắt giảm lãi suất huy động
Sáu ngân hàng thương mại có vốn nhà nước của Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tiền gửi chỉ một ngày sau lời kêu gọi giảm lãi suất từ chính phủ..>> Chi tiết