vĐồng tin tức tài chính 365

Làm gì để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm lên hạng?

2021-06-29 03:03

Làm gì để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm lên hạng?

Hoàng Thắng

(KTSG Online) - Thị trường Việt Nam cần có sự cải thiện về hạ tầng giao dịch, công bố thông tin bằng tiếng Anh và về giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài để sớm đạt mục tiêu nâng hạng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi.

Hoạt động giao dịch tại Công ty chứng khoán Bảo Việt. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Chia sẻ tại toạ đàm “Thị trường chứng khoán và dự báo” do tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức chiều 28-6, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước - cho biết thị trường Việt Nam vẫn chưa xuất hiện trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market) do Morgan Stanley Capital International (MSCI) công bố ngày 25-6.

Những điều kiện thị trường Việt Nam còn thiếu gồm giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi giới hạn sở hữu nước ngoài; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin tiếng Anh và room sở hữu; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận Trung tâm lưu ký chứng khoán; quy định thị trường và dòng thông tin bằng tiếng Anh; thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền, bà Bình cho biết.

Ngoài ra, tiêu chí “Chu kỳ thanh toán - DvP” được MSCI đánh giá là “Hạn chế” do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh. Còn tiêu chí “Thanh toán - Tỷ lệ hiếm khi giao dịch thất bại” không được đơn vị này đánh giá do yêu cầu thanh toán (ký quỹ trước) hiện tại dẫn tới việc khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại.

Theo bà Bình, những tiêu chí cần cải thiện với thị trường Việt Nam tại báo cáo mới nhất của MCSI không thay đổi so với báo cáo do đơn vị này công bố trước đó. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam chưa có những cải thiện đáng kể, hoặc những cải thiện chưa đi vào đời sống.

"Chưa đi vào đời sống thị trường" - theo bà Bình - là tâm lý chưa hài lòng của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Với rào cản tiếp cận thị trường, bà Bình cho biết việc mở tài khoản và tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh chưa thực sự dễ dàng với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, quy định giới hạn về sở hữu nước ngoài tại một số lĩnh vực chưa được nới lỏng.

Với rào cản kỹ thuật, cơ chế về bán khống, ký quỹ trước giao dịch, T+0, mua - bán trong ngày (day trading – PV) chưa được thực hiện.

"Hiện chúng ta vẫn quy định nhà đầu tư phải có đủ tiền trước khi đặt lệnh chứng khoán”, bà Bình nói.

Trước đó, MCSI đánh giá đánh giá một số luật có hiệu lực vào đầu năm 2021 đã tạo cơ sở pháp lý cho các kế hoạch phát triển thị trường Việt Nam, gồm tái cơ cấu hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VSE), thành lập Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), chứng chỉ lưu ký không biểu quyết (NVDR) và các động thái khác có thể cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.

Nhưng hoạt động giao dịch trên hệ thống do Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) gặp nhiều khó khăn do những hạn chế của hệ thống giao dịch. Theo đó, đơn vị này đã đưa ra phương án ngừng hủy và sửa lệnh để giảm tải cho hệ thống.

Các diễn giả tại buổi toạ đàm. Ảnh: H. Thắng.

Đề xuất giải pháp, bà Bình cho rằng cần gia tăng khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang thực hiện số hoá các thủ tục hành chính tại hai sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam để nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện, theo thông lệ quốc tế.

Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Bình đề xuất cơ quan này phối hợp với các bộ, ngành để tập hợp các điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, rồi xây dựng hệ thống danh mục các điều kiện theo hướng công khai, minh bạch. Bà kỳ vọng, thị trường Việt Nam sẽ sớm được MSCI nâng hạng sau khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật mới do KRX xây dựng được triển khai vào đầu năm 2022.

Cụ thể, hệ thống mới sẽ giúp cơ quan quản lý triển khai số mô hình và và kỹ thuật mới, gồm mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở, cơ chế cấp vốn trước (pre-funding). Bên cạnh đó, hệ thống mới cũng nâng cao năng lực giám sát của cơ quan quản lý với thị trường và các thành viên tham gia.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng sản phẩm NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết) sẽ giúp thị trường Việt Nam giải quyết bài toán giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại). Theo đó, tổ chức phát hành NVDR sẽ chuyển giao nhà đầu tư nước ngoài quyền lợi tài chính gắn liền với cổ phiếu, nhưng người mua chứng chỉ không có quyền biểu quyết như với chứng chỉ lưu ký thông thường. Vì vậy, nhà đầu tư không thể tham gia vào hoạt động điều hành, quyết định, chiến lược của doanh nghiệp.

Để triển khai sản phẩm này, ông Hiếu đề xuất thành lập một tổ chức được phép phát hành NVDR trực thuộc sở giao dịch chứng khoán và phải tạo ra khung pháp lý cho sản phẩm dưới hình thức thông tư.

Ngoài ra, ông Hiếu đề xuất nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp theo thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN. Lý giải điều này, ông Hiếu cho biết có những quy định quản trị mà doanh nghiệp muốn áp dụng đã xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng có những nội dung quản trị doanh nghiệp mà luật pháp không thể chế định.

Cũng theo chuyên gia này, việc áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt nhất sẽ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh đạt được hiệu quả cao hơn. Điểm quản trị công ty của Việt Nam chỉ ở mức hơn 40 điểm tính trên tổng điểm là 120 trong năm 2020, xếp cuối bảng xếp hạng.

Kết quả này sẽ ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài. "Nhà đầu tư nước ngoài phần lớn là nhà đầu tư chuyên nghiệp, các kết quả đánh giá về chất lượng quản trị, rủi ro, định hướng phát triển lâu dài công ty của Việt Nam sẽ được họ quan tâm", ông Hiếu nói. 

Một số đánh giá của MSCI về thị trường chứng khoán Việt Nam

- Giới hạn sở hữu nước ngoài: Các công ty ở một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài.

- Room ngoại còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài: Thị trường cổ phiếu chịu ảnh hướng lớn từ vấn đề room nước ngoài.

- Quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài: Một số thông tin doanh nghiệp vẫn không có tiếng Anh. Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.

- Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối: Hiện chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và thị trường giao dịch trong nước còn hạn chế (giao dịch ngoại tệ phải liên quan tới giao dịch chứng khoán).

- Đăng ký đầu tư và mở tài khoản: Đăng ký giao dịch là bắt buộc và việc mở tài khoản cần được Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam thông qua.

- Các quy định về thị trường: Các quy định về thị trường chưa có đầy đủ bằng tiếng Anh.

- Luồng thông tin: Các thông tin về thị trường chứng khoán thường không có bản tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết.

- Thanh toán và bù trừ: Không có công cụ vay thấu chi và giao dịch cần ứng tiền trước.

- Khả năng chuyển nhượng: Giao dịch bên ngoài sàn giao dịch bị cấm và chuyển nhượng hiện vật cần được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận.

 

Xem thêm: lmth.gnah-nel-mos-man-teiv-naohk-gnuhc-gnourt-iht-ed-ig-mal/828713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Làm gì để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm lên hạng?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools