Nên trao TP.HCM quyền tự tổ chức bộ máy
Chiều 8.6, thảo luận về cơ chế đặc thù cho TP.HCM thay thế Nghị quyết 54, đại biểu (ĐB) Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh TP.HCM "không chỉ cần cơ chế đặc thù mà phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần cơ chế vượt trước để TP.HCM thực sự là đầu tàu đa chức năng đi trước mở đường".
Cụ thể, ông Mai cho rằng quy định HĐND TP.HCM được bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) là chưa đủ. Theo ông, HFIC với vai trò cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển KT-XH trên địa bàn TP, trong khi nhu cầu lĩnh vực ưu tiên là rất lớn, đề nghị cần mở rộng cơ chế tài chính đặc thù nguồn tài chính cho HFIC, như phát hành trái phiếu quốc tế, ưu tiên đầu tư cho một số chương trình, dự án như phát triển đường sắt đô thị, chống ngập…
ĐB Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) thì đề nghị QH phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho chính quyền TP.HCM trong tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, thay vì trình QH hay Chính phủ quy định.
Trao đổi bên hành lang QH, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng với 44 chính sách thuộc 7 nhóm cơ chế lớn là rất toàn diện, song vẫn cần thêm một "nguồn năng lượng" để TP thực sự "bốc" lên. Bên cạnh các vấn đề về ngân sách, đầu tư, TP.HCM cần đặc biệt chú trọng tới yếu tố con người. "Đừng có đi sâu vào chuyện TP.HCM được quyền thành lập sở này, sở kia hay có bao nhiêu phó chủ tịch. Riêng vấn đề nhân sự, vấn đề con người, nên để TP.HCM tự quyết", ông An nêu.
Thiếu chính sách cho "kinh tế đêm"
Bên cạnh đó, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, cần dựa vào sản xuất, dịch vụ và đất đai. Việc đưa ra hướng phát triển đô thị giao thông (TOD) là hướng rất tốt, nhưng TP.HCM không chỉ là các đô thị mà phải hướng ra ngoài, với nhiều huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Đấy là nguồn đất đai vô cùng hữu ích cho TP.HCM, nên cơ chế đất đai đối với TP.HCM phải mạnh hơn nữa. ĐB Trịnh Xuân An cũng đề nghị giao cho TP.HCM triển khai cơ chế BT (xây dựng - chuyển giao) trên cơ sở công khai, minh bạch, có hệ thống theo dõi, giám sát.
Đặc biệt, theo ĐB, dù các chính sách đề cập nhiều đến sản xuất, bộ máy nhưng phần dịch vụ, "kinh tế đêm" để phát triển du lịch chưa được nhắc tới. "Có thể có casino, có thể có các trường đua, có thể có các hình thức giải trí khác. Người ta đến với TP.HCM không phải chỉ đi làm công nhân, không phải chỉ đi làm kỹ sư, làm chuyên gia mà còn muốn TP.HCM trở thành trung tâm du lịch, trung tâm dịch vụ, giải trí", ông An nêu.
ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) băn khoăn khi cho biết "đang loay hoay muốn tìm trong 44 chính sách đâu là cơ chế mang tính đột phá, cơ chế nào là chính hay chủ yếu là tháo gỡ những vướng mắc hiện tại song chưa rõ".
Theo ông, việc triển khai Nghị quyết 54 năm 2017 còn chậm, một số cơ chế thực hiện chưa hiệu quả, một số chính sách còn chờ văn bản hướng dẫn cũng là điều cần suy ngẫm, rút kinh nghiệm. Dẫn việc Hà Nội có luật Thủ đô, ông Hạ cho rằng TP.HCM và các TP trực thuộc T.Ư khác cũng đều có nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. "Vậy nên chăng chúng ta làm luật về TP trực thuộc T.Ư?", ông Hạ kiến nghị.
Đề nghị kéo dài đặc thù tới 2030
ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết chưa bao quát hết các lĩnh vực phát triển mang tính đặc thù của TP trong giai đoạn phát triển hiện nay và trong tương lai, đặc biệt là vai trò của TP trong tương lai và hướng tới phát triển vượt trội.
Theo ông, thời gian thực hiện Nghị quyết 54 trước đây quy định là 5 năm, nhưng thực tế các nội dung đều chưa đạt được. "Dự thảo lần này thực chất là thực hiện tiếp Nghị quyết 54 và có thêm một số chính sách, cơ chế đối với một số lĩnh vực khác, nếu triển khai trong 5 năm tới liệu có khả thi? Theo tôi là phải trong thời gian từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", ông Đồng nói.
Thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định các cơ chế, chính sách mới đã được nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về mặt tác động, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tạo được xung lực phát triển mới cho TP. Trong 44 nhóm chính sách đề xuất, quan trọng nhất là 27 chính sách mới đã được cân nhắc chọn lọc.
"Có ý kiến cho rằng nếu TP cần một nguồn lực thì sao không xây dựng một chính sách để cho TP phát hành trái phiếu quốc tế hay vay một khoản vay nào khoảng 20 - 30 tỉ USD để giải quyết toàn bộ vấn đề hạ tầng cốt lõi "ra tấm, ra món". Đó cũng là việc chúng tôi cần quan tâm và sẽ nghiên cứu trong thời gian tới", Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nêu.