Theo một báo cáo mới từ Tổ chức dữ liệu bền vững ESG Book, các công ty lớn có nhiều khả năng là thủ phạm gây ra hiện tượng độ nóng lên toàn cầu trong khi lại không tiết lộ lượng khí thải nhà kính của mình.
Nhà cung cấp dữ liệu bền vững hàng đầu thế giới nhận thấy rằng mới chỉ có 22% trong số 500 công ty đại chúng lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường có các hành động phù hợp với Thỏa thuận Paris, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Đây cũng là mức tăng nhẹ từ con số 18% doanh nghiệp trong năm 2018.
Các nhà khoa học khí hậu coi mức tăng 1,5 độ nhiệt độ trung bình toàn cầu là một điểm bùng phát quan trọng, làm tăng lên khả năng lũ lụt nghiêm trọng, hạn hán, cháy rừng và gây thiếu lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Gần một nửa, tương đương 45%, các công ty phải đối mặt với tình trạng nóng lên ít nhất 2,7 độ C, một mức độ nóng lên thảm khốc có thể khiến hàng tỷ người trên thế giới rơi vào tình trạng nóng bức nguy hiểm. Con số này giảm khá nhiều so với mức 61% trong năm 2018.
Daniel Klier, Giám đốc điều hành của ESG Book cho biết: "Dữ liệu của chúng tôi đưa ra một thông điệp rõ ràng: Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa và nhanh chóng hơn nữa. Nếu không có sự thay đổi cơ bản trong cách vận hành của nền kinh tế toàn cầu, thì không biết những hậu quả tương lai sẽ như thế nào?".
Báo cáo này là báo cáo mới nhất trong chuỗi bằng chứng cho thấy thế giới đang đi chệch hướng để đạt được các mục tiêu về khí hậu. Trong lúc, các công ty gây ô nhiễm lớn như Shell và BP (BP) đang chuyển trọng tâm trở lại sản xuất nhiên liệu hóa thạch sau một năm bội thu lợi nhuận nhờ giá dầu và khí đốt tăng vọt.
Chậm tiến độ
Trong phân tích của mình, ESG Book đã chỉ định 'điểm nhiệt độ' cho các công ty dựa trên dữ liệu phát thải được báo cáo công khai và các yếu tố như mục tiêu giảm phát thải để xác định mức độ đóng góp của các công ty cho các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Phân tích bao gồm các công ty có giá trị thị trường ít nhất là 10 tỷ USD ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh Châu Âu.
Phân tích cũng tính đến lượng khí thải trực tiếp từ các hoạt động cũng như lượng khí thải gián tiếp từ việc sử dụng các sản phẩm của các công ty. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các công ty dầu khí vì hầu hết lượng khí thải của họ được tạo ra từ việc đốt các sản phẩm của họ như xăng và nhiên liệu máy bay.
Tại Anh, Ấn Độ và EU, số lượng các công ty có mục tiêu giảm phát thải phù hợp với Thỏa thuận Paris hầu như không tăng kể từ năm 2018.
Tiến bộ ở Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tốt hơn, mặc dù có nền tảng thấp hơn.
Tại Hoa Kỳ, 20% công ty có liên kết với các thỏa thuận Paris, tăng từ mức 11% vào năm 2018. Tại Trung Quốc, 12% có liên kết với Thỏa thuận Paris, so với chỉ 3% cách đây 5 năm.
"Điều đáng khích lệ là chúng tôi biết nên sử dụng đòn bẩy nào và nhiều công ty trong số này hiện đang hoạt động tích cực hơn nhiều. Nhưng như dữ liệu cho thấy, chúng ta không nhất thiết phải di chuyển đúng tốc độ", Klier nói với CNN.
Theo quan điểm của ông, cần có sự kết hợp giữa các chính sách nghiêm ngặt hơn của chính phủ, những thay đổi đối với hành vi của người tiêu dùng và những đột phá về công nghệ để mang lại một sự thay đổi có ý nghĩa trong quỹ đạo khí hậu hiện tại.
Ông nói, các nhà đầu tư, chẳng hạn như các quỹ hưu trí, cũng có vai trò quan trọng trong việc điều hướng nhiều vốn hơn vào các công nghệ tái tạo.
Có những dấu hiệu cho thấy dòng tiền này đang tăng tốc. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lần đầu tiên số tiền đầu tư vào năng lượng mặt trời sẽ vượt qua mức đầu tư vào sản xuất dầu trong năm nay.
"Đối với mỗi USD đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, khoảng 1,7 USD hiện đang được chuyển vào năng lượng sạch. Năm năm trước, tỷ lệ này là một đối một", Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết trong một báo cáo vào tháng trước.
Tuy nhiên, hơn 1 nghìn tỷ USD dự kiến sẽ chảy vào dầu, khí đốt và than trong năm nay, cao hơn đáng kể so với mức phù hợp với việc thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, IEA cho biết.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết trong một báo cáo hồi tháng 5 rằng hiện có 66% khả năng nhiệt độ của hành tinh sẽ tăng lên trên 1,5 độ C trong ít nhất một năm trong 5 năm tới.
Tổ chức này cho biết, mặc dù đó chỉ là một sự vi phạm tạm thời, nhưng nó sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất về mức độ biến đổi khí hậu đang tăng nhanh như thế nào, dẫn đến mực nước biển dâng nhanh, thời tiết khắc nghiệt hơn và sự sụp đổ của các hệ sinh thái quan trọng trên toàn thế giới.
Xem thêm: nhc.547855270906032881-uah-ihk-iod-neib-ehc-nah-ed-ut-uad-ti-ioig-eht-tahn-nol-yt-gnoc-cac/nv.fefac