Tài khoản mới tăng cao
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký gần 105.000 tài khoản chứng khoán mới trong tháng 5 - mức cao nhất kể từ tháng 9-2022. Con số này cũng gấp hơn 4 lần tài khoản mở mới tháng trước.
Kỳ vọng được nhen nhóm hơn khi dòng tiền chảy vào thị trường cải thiện trong tháng 5. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HOSE tăng trở lại lên 10.631 tỉ đồng/phiên (tăng 8,8% so với tháng trước).
Theo thống kê của VDSC, nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế về sức mua với giá trị ròng 7.598 tỉ đồng và đóng góp nhiều nhất vào sự gia tăng đột biến của thanh khoản thị trường tháng 5 khi chiếm 86% thanh khoản.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Lý Thu Ngà, chuyên gia phân tích thị trường Chứng khoán SSI, cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 điều chỉnh rất mạnh và 4 tháng đầu năm 2023 gần như lình xình đi ngang, kém hấp dẫn.
"Việc con số tài khoản trong tháng 5 tăng đột biến phản ánh kỳ vọng của một bộ phận nhà đầu tư vào sự phục hồi của kênh chứng khoán trong bối cảnh xu hướng giảm của lãi suất khiến kênh tiền gửi dần kém hấp dẫn", bà Ngà nói.
TS Vũ Nhật Phương (giảng viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành) cũng nhắc tới việc Ngân hàng Nhà nước buộc phải 3 lần giảm lãi suất điều hành và có thể tiếp tục giảm những tháng cuối năm khiến tiền gửi tiết kiệm bớt hấp dẫn.
"Thị trường bất động sản - một kênh đầu tư khác trong ngắn hạn - chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại. Các kênh đầu tư vào vàng và ngoại tệ vốn dĩ đã khó dự báo nay lại càng bất ổn do những xung đột về chính trị, chiến tranh, khủng hoảng năng lượng", ông Phương nhận định.
Bởi vậy, dòng tiền đầu tư từ các kênh này bắt đầu đổ dần về thị trường chứng khoán, được dự đoán là đang bắt đầu chu kỳ phục hồi, tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, so với ở thời đỉnh (với gần 500.000 tài khoản) thì con số quanh mốc 100.000 không hẳn quá đột biến.
Thị trường tháng 6 sẽ ra sao?
Mặc dù thị trường tháng 5 và một số phiên đầu tháng 6 đã đem lại sự phấn khởi cho nhà đầu tư, song bà Nguyễn Lý Thu Ngà cho rằng "thời điểm khó khăn nhất của thị trường vẫn chưa đi qua".
Việt Nam đang bị ảnh hưởng đáng kể từ sự suy yếu nhiều nền kinh tế lớn và việc hỗ trợ hồi phục kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa từ Chính phủ cần thời gian để thẩm thấu, chuyên gia SSI lý giải. Có thể thấy tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn sẽ chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn.
Nhóm chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt cũng nói cần thiết "thận trọng", lúc này vẫn còn quá sớm để nói rằng nền tăng trưởng kinh tế đã đi qua vùng trũng, xu hướng chính là đi ngang.
"Chúng tôi giữ quan điểm thị trường vẫn thuận lợi cho giao dịch mua - bán T+, song chưa phải là thời điểm tốt để "all in", nhóm chuyên gia nêu quan điểm. Họ nhận định tháng 6 sẽ là cơ hội tái cơ cấu danh mục, đặc biệt cho những nhà đầu tư đã vô tình "đầu tư dài hạn".
Trên nền tăng trưởng kinh tế yếu của quý 1-2023, câu chuyện phục hồi từ vùng trũng lợi nhuận sẽ được quan tâm khi doanh nghiệp đang vào tháng kinh doanh cuối cùng của quý 2-2023. VN Index được dự báo dao động trong khoảng 1.060-1.120 trong tháng 6.
Thực tế, thị trường khá hưng phấn nhưng không quên kinh tế còn u ám. Sau nhiều phiên tăng liên tiếp, áp lực bán mạnh về cuối phiên ngày 8-6 khiến thị trường đảo chiều giảm điểm, về 1.100. Khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng.
Phiên giao dịch chứng khoán hôm nay chứng kiến lượng tiền đổ vào mua bán cổ phiếu tăng một cách bùng nổ, với hơn 27.300 tỉ đồng, cao nhất trong vòng 8 tháng nay.