Liên quan đến vấn đề thiếu điện, bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban này đã đưa ra cảnh báo vấn đề này từ trước khi diễn ra dịch COVID-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Phạm Thắng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi lại ở mức khoảng 6-7% như những năm trước, tình trạng thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn chứ không phải chỉ như hiện nay. Khi Quốc hội tổng kết Nghị quyết 31 về dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Ủy ban Kinh tế cũng đã kiến nghị xem xét lại chủ trương đầu tư lĩnh vực này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng sự phát triển ồ ạt của nguồn điện gió, điện mặt trời đã tác động đến nguồn cung hệ thống. Nguồn điện năng lượng tái tạo này phát triển chỉ có mức độ, chiếm tỉ trọng nhất định trong tổng đầu tư chứ không thể phát triển ồ ạt được.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng "có nắng, có gió nhưng phải có cái đó mới ra điện được", trong khi vùng đó không có phụ tải, phải truyền tải đi, mà muốn làm vậy phải có quy hoạch, kế hoạch, có chiến lược đầu tư, chứ còn đầu tư ra rồi lại không đầu tư hệ thống truyền tải thì không được.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng khẳng định Ủy ban Kinh tế "đã có báo cáo hết rồi" khi được hỏi về việc ông có sốt ruột khi những năm qua gần như không có dự án lớn được đầu tư, triển khai chậm là nguyên nhân khiến nguồn cung cho hệ thống bị thiếu hụt?. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ủy ban này đã chỉ ra rất rõ địa chỉ chậm ở các dự án nguồn điện do các tập đoàn năng lượng triển khai đầu tư như Tập đoàn Điện lực, tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Than và Khoáng sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết có nhiều vấn đề cần giải quyết để bảo đảm cung ứng điện trong tương lai. Trong đó, về phát triển thủy điện, hiện nguồn này đã khai thác tới 80% công suất, dẫn tới dư địa phát triển thủy điện gần như không còn.
Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, ở thượng nguồn cũng làm thủy điện, ngăn làm thủy lợi, còn dưới hạ nguồn thủy điện không còn dư địa phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng việc phát triển nguồn nhiệt điện than phải được đặt trong mối quan hệ với những cam kết của Việt Nam tại COP26. Vì vậy, việc ứng xử với điện than cũng là câu chuyện phải tính. Cam kết COP26 đã có, giờ phải thực hiện vấn đề tài chính.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho rằng dù Chính phủ có chủ trương phát triển điện tái tạo, cùng với nhiệt điện, than, khí, nhưng kế hoạch kết nối, sử dụng điện tái tạo chậm. Việc vận hành hệ thống nhiệt điện cũng chưa được chủ động, vẫn còn thiếu và chưa có chiến lược bảo đảm cho các năm nay.
Đại biểu Đỗ Thị Lan nêu vấn đề chiến lược và kế hoạch đáp ứng điện cho phát triển đất nước hiện tại và tương lai thế nào?. Theo nữ đại biểu, Quy hoạch điện VIII đã đưa ra chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể về giảm nhiệt điện than, phát triển năng lượng tái tạo để đảm bảo cam kết COP26 thì cần có dự báo, lộ trình và kế hoạch rất khả thi, tránh tình trạng bị động như hiện nay.
Đại biểu đề nghị Chính phủ có đánh giá toàn diện về công tác thực hiện kế hoạch, chiến lược cung - cầu điện cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội để có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu điện.
Nữ đại biểu bày tỏ việc mới bắt đầu vào mùa nóng, kinh tế có phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiếu đơn hàng, một số lĩnh vực khó khăn sản xuất, kinh doanh, nhưng điện thiếu trầm trọng như vậy rất lo. "Cắt điện không phải chỉ luân phiên 1-2 giờ, mà cắt cả ngày, cả đêm nên ảnh hưởng rất nghiêm trọng đời sống nhân dân, kinh tế - xã hội" - đại biểu Đỗ Thị Lan nói.