Tại buổi thảo luận tổ sáng 9/6 bàn về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo Luật này được thông qua tại 3 kỳ họp là hợp lý, bởi vì đến lần trình thứ hai này vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, đặc biệt những vấn đề liên quan đến lợi ích.
Thứ nhất là vấn đề thu hồi đất, đại biểu cho rằng đây là vấn đề cử tri và đồng bào quan tâm nhất. Rất đúng đắn khi lần này thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội có nói một ý rất rõ là việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 18 Trung ương Đảng.
Theo đó, Hiến pháp đồng ý cho thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Đối với những công trình trên đất nhằm phát triển kinh tế xã hội vì mục đích thương mại thì nguyên tắc chung theo Nghị quyết 18 là phải thoả thuận.
"Hàng chục năm qua, bao nhiêu câu chuyện khiếu kiện, bức xúc, bức bối của người dân liên quan đến vấn đề này", ông Nghĩa nói.
Ở lần này sửa đổi này, về thu hồi đất, ông Nghĩa bày tỏ đồng tình với Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khi không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi được quy định trong Luật gắn với mục đích quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia công cộng mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường hợp “thật cần thiết”. Đại biểu cho rằng, yêu cầu này rất sát thực.
Khi thu hồi đất, chúng ta phải chứng minh được vì sao công trình đó phải đặt ở đây mà không phải nơi khác, có thật cần thiết phải đặt ở đây không?
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa
"Chỗ này là chỗ lần trình thứ hai chưa giải quyết được và Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh. Nghĩa là lâu nay việc thu hồi đất không đáp ứng được yêu cầu của Hiến pháp từ đó mới xảy ra đủ thứ chuyện kiện cáo và tốn kém biết bao nhiêu vào tranh chấp và xử kiện", đại biểu Nghĩa nói.
Đây là điều khó nhưng chúng ta có chính quyền, có bộ máy nhân lực, có lợi ích của nhân dân, có Nghị quyết 18 thì tại sao chúng ta không làm được? Vị đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại điều này.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa yêu cầu làm rõ quy định thu hồi đất liên quan đến xây nhà ở thương mại (Clip: M.Minh) |
Thứ hai, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật (tại Điều 78, 79) không có quy định trường hợp thu hồi đất vì mục đích làm nhà ở thương mại, mà chỉ có mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia công cộng, phát triển quỹ đất...
Tuy nhiên dẫn chiếu Điều 112 của dự thảo Luật, Uỷ ban Kinh tế lại thấy có quy định sử dụng quỹ đất để làm nhà ở thương mại, vị đại biểu nêu câu hỏi: "Phải chăng dự thảo Luật né quy định về nhà ở thương mại tại Nghị quyết 18 Trung ương Đảng (là phải thoả thuận)?".
Đại biểu băn khoăn, ở đây có chuyện né Nghị quyết 18 hay không? Có hay không quy định dự án nhà ở thương mại chỉ có thể thực hiện thông qua quỹ đất của Nhà nước? "Có phải như vậy không? Cái này phải làm rõ và các nhà đầu tư nhà ở cũng phải lưu ý", đại biểu nhấn mạnh.
Thứ ba là về bảng giá đất, quy định thu hồi đất với giá thu hồi sát giá thị trường sẽ làm tăng thu ngân sách lên nhưng cách đó cũng có chỗ không ổn là nó "đẻ ra" tiêu cực; do đó trách nhiệm để sát giá thị trường trước hết thuộc về Nhà nước, Nhà nước phải đứng lên làm trọng tài để có giá sát thị trường đó.
Thảo luận tổ TP Hồ Chí Minh về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 9/6. |
Thứ tư là về tranh chấp đất đai, theo vị đại biểu hiện nay quy định pháp luật liên quan đến tranh chấp đất đai vẫn quá rối. Cơ quan soạn thảo và các bên liên quan cần định nghĩa, phân loại các hình thức tranh chấp đất đai (có nhiều loại tranh chấp liên quan đến hành chính, thương mại, dân sự…) từ đó quy định về thẩm quyền giải quyết.
Đại biểu dẫn chứng, dự thảo Luật đã sửa đổi nhưng chưa đầy đủ, ví dụ nói hoà giải thương mại thì theo Luật Thương mại là chưa đủ vì Luật Thương mại không nói chuyện hoà giải. Hiện nay có Nghị định 52 của Thủ tướng Chính phủ về hoà giải thương mại, cho nên phải nói rằng nếu có tranh chấp đất đai liên quan đến thương mại thì giải quyết bằng pháp luật hoà giải thương mại.
"Dự thảo Luật nói tranh chấp đất đai liên quan đến thương mại thì đưa qua toà án hoặc trọng tài, chỗ này sắp tới cũng rất rối vì thanh tra, kiểm tra cũng được tham gia vào giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 234, 235), như thế sẽ rất lộn xộn. Luật nhập nhèm thì sau này làm Nghị định không hướng dẫn được", đại biểu đoàn TP HCM nói thêm.
Cuối cùng, ông Nghĩa lưu ý, ngay trong mục đích quốc gia công cộng cũng có sự "đan xen" lợi ích. Ví dụ xây khu chợ phục vụ nhân dân chắc chắn có tư nhân tham gia, xây con đường giao thông có doanh nghiệp BOT, xây công trình ngầm có hệ thống siêu thị đi kèm…
Dự thảo Luật phải có quy định xử lý vấn đề lợi ích này. Bà con thắc mắc vì khi Nhà nước thu hồi đất của họ thì đất đó không có gì cả nên thu hồi giá thấp, nhưng sau này người ta kinh doanh phát sinh lợi nhuận, lợi nhuận đó có được tính trước và chia một phần cho người dân hay không? Theo đại biểu, đây là vấn đề phải minh bạch ra.
"Thuần tuý lợi ích công cộng thì không bà con nào thắc mắc, người ta chỉ thắc mắc khi có cái lợi ích “đan xen”. Đan xen thì không tránh được, nhưng phải giải quyết thoả đáng", ông Nghĩa đề nghị.