Đi du lịch theo đoàn nhưng "tự quyết" mang đến những trải nghiệm không trọn vẹn cho người khác, đôi khi làm khó hướng dẫn viên, phát sinh chi phí cho đơn vị lữ hành. Có đoàn còn phải cắt bớt điểm đến để kịp chuyến bay về.
Khách mải mê chụp ảnh, mua sắm, hướng dẫn viên về giải trình
Trần Sĩ Hoàng (31 tuổi, TP.HCM) kể lại chuyến đi Campuchia năm 2017. Cả đoàn phải đợi hướng dẫn viên đi tìm khách ở quần thể Angkor Wat hơn 2 tiếng đồng hồ do mải chụp ảnh và bị lạc đường.
Nhóm 5 cô gái thay nhau chụp ảnh ở mỗi khu vực đi qua, không ai muốn sót một góc chụp nào, mặc cho hướng dẫn viên ra sức thuyết trình và kêu gọi mọi người chú ý. Các mặt của quần thể này đều khá giống nhau, dễ nhầm lẫn. Sự việc diễn ra tương tự ở cung điện hoàng gia, chùa Vàng, chùa Bạc và cả chợ đêm. Cả đoàn đều khó chịu khi phải chờ đợi. Một số người lớn tiếng cãi vã.
"5 cô gái cho rằng một vị khách khác trong đoàn đi tour thì nên chấp nhận. Vị khách lại cho rằng nếu thích chụp ảnh thì nên tự tổ chức đi riêng chứ không nên mua tour để ảnh hưởng nhiều người. Khổ thân hướng dẫn viên phải chịu trận", Sĩ Hoàng kể.
Cuối năm 2022, Tấn Phong (29 tuổi, TP.HCM) dẫn đoàn đi Thái Lan đúng vào dịp mua sắm lớn nhất trong năm. Tại Icon Siam và Central World, hai trong số các trung tâm thương mại hàng đầu Bangkok, du khách có thời gian tự do mua sắm.
"Giảm giá Giáng sinh, hoàn thuế nếu mua trên 2.000 baht, một nhóm khách đã mải mê mua sắm quên cả thời gian tập trung.
Hơn một tiếng đồng hồ, tôi chạy long sòng sọc tìm khách. Trung tâm thương mại rất rộng. Một trong số họ đi săn hàng giảm giá để bán lại. Lên xe muộn với la liệt hàng hóa, họ ngồi tính tiền lời và chốt đơn với khách.
Vì chờ đợi, cả đoàn đã đi đúng vào giờ cao điểm Thái Lan, kẹt xe hàng giờ. Ăn tối muộn gần 2 tiếng, vừa thiếu chỗ, vừa phát sinh thêm tiền. Nhiều người quá đói đã lớn tiếng trên xe", Tấn Phong thở dài.
Phận làm dâu trăm họ, Thúy Nga (30 tuổi, Đà Nẵng) đã phải giải trình với công ty vì bị cho rằng không thuyết minh về các điểm đến.
Trả khách tại trụ sở, quản lý đơn vị lữ hành hỏi khách về cách dẫn đoàn của hướng dẫn viên và nhận về câu trả lời: "Cũng không rõ nữa, chùa nào cũng giống đền nào. Câu nghe được, câu không".
Tại Thái Lan, các điểm đến phần lớn là đền chùa trang nghiêm, có yêu cầu về trang phục nghiêm chỉnh và không sử dụng loa khi thuyết minh. Thúy Nga phải thuyết minh bằng giọng trần và mong du khách tập trung gần để lắng nghe. Sau đó, họ vẫn có thời gian để đi chụp ảnh.
"Một số du khách đã tự động tách đoàn để chụp ảnh ngay khi thấy các tháp chùa lộng lẫy. Họ hầu như không hề nghe bất kỳ một thông tin nào giới thiệu về điểm đến.
Một số mặc quần ngắn, áo dây, dù tôi đã lưu ý từ hôm trước. Họ tỏ ra khó chịu khi phải thuê hoặc mua váy quây trước cổng các công trình tôn giáo. Câu trả lời lạnh lùng "câu được, câu không" của khách làm tôi phải giải trình với cấp trên", Thúy Nga lắc đầu.
Cám cảnh hơn, chị Ngọc Điệp (45 tuổi, Đà Nẵng) từng chứng kiến cảnh 2 nhóm khách cãi nhau vì việc chụp ảnh tại Bà Nà Hills (Đà Nẵng). "Nhiệm vụ chính của hướng dẫn viên là dẫn đoàn và thuyết minh, chỉ tranh thủ chụp ảnh giúp khách nếu còn thì giờ.
Nhóm thanh niên trẻ tuổi đi đến đâu cũng nhanh tay nhờ anh hướng dẫn viên chụp ảnh hộ trong khi nhóm trung niên đến sau không kịp chụp. Họ đổ lỗi cho hướng dẫn viên thiên vị, mê gái và đánh giá 1 sao", chị Điệp kể lại.
Có nhiều loại tour để lựa chọn theo nhu cầu
Anh Hồ Đắc Trường (45 tuổi, TP.HCM), theo nghề hướng dẫn viên hơn 20 năm cho biết, có rất nhiều loại tour du lịch đáp ứng theo số lượng và nhu cầu khác nhau của khách.
Du khách có thể mua tour tại các đơn vị lữ hành lớn, uy tín ngay tại Việt Nam cho chuyến đi nội địa hoặc quốc tế. Chương trình được tính toán và thiết kế để đảm bảo du khách tham quan được những điểm đến được chọn lọc, thời lượng vừa đủ để tìm hiểu, vãn cảnh và chụp ảnh lưu niệm với giá cả cạnh tranh nhất.
Đây vừa là kinh nghiệm tổ chức thực tế, vừa là bài toán kinh doanh của các đơn vị lữ hành lớn phải giải nhằm mang đến lợi ích tốt nhất cho du khách của mình.
Trước đây, nhiều khách vẫn quan niệm đi tour là "lùa vịt", tới đâu cũng nhanh nhanh rồi về khi chưa kịp làm gì.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Đắc Trường nói: "Không phải tất cả đơn vị lữ hành đều thế. Họ cần phải mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách, cần những phản hồi, giới thiệu bạn bè từ khách đã từng đi, cũng vì uy tín, chất lượng và việc kinh doanh lâu dài.
Vậy nên, các đơn vị lớn đã thiết kế tour rất hợp lý dựa trên mặt bằng chung.
Ngoài sắp xếp lịch trình, chăm sóc, dẫn đoàn, cung cấp kiến thức điểm đến cho khách, hướng dẫn viên còn phải biết hát, biết tổ chức trò chơi, cập nhật xu thế mới nhất và còn phải biết cách chụp ảnh đẹp cho khách. Một đoàn lớn từ 20 đến 30 khách, hướng dẫn viên sẽ mang rất nhiều trách nhiệm".
Anh Trường cũng cho biết, khách chọn tour theo đoàn lớn cần tham khảo kỹ thông tin trước khi quyết định đặt tour để chắc chắn nhu cầu, sở thích và thói quen du lịch của mình có thể hợp với lịch trình chung mà đơn vị lữ hành đề xuất.
Với những đoàn nhỏ dưới 10 người như gia đình, hội bạn thân, đồng nghiệp có nhu cầu du lịch đặc thù, họ nên tìm hiểu về "land tour" hoặc thuê hướng dẫn viên du lịch cá nhân.
Land tour có thể hiểu là hình thức gói du lịch không bao gồm chi phí máy bay, visa, ăn uống, lưu trú. Tour này thường cung cấp dịch vụ tham quan các điểm đến ở một tỉnh, thành phố cụ thể nào đó trong 1 đến 2 ngày, hoặc mua sắm. Có gói tham quan ít, mua sắm nhiều và ngược lại. Hình thức này được "gia giảm" để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Linh hoạt hơn, khách có thể chọn thuê hướng dẫn viên cá nhân để có thể tự thiết kế hành trình của mình.
"Hình thức này thường có tại các đơn vị lữ hành vừa và nhỏ. Mỗi hướng dẫn viên phụ trách đoàn từ khoảng từ 5-10 người, giá cũng thường cao hơn tour theo đoàn lớn.
Khách có thể cho chúng tôi biết sở thích, yêu cầu, những điểm muốn đến tham quan, thích chụp ảnh check-in nhiều, thích mua sắm hay thích phần lớn trải nghiệm ẩm thực.
Chúng tôi sẽ xem xét và đưa ra lịch trình phù hợp nhất có thể", anh Vũ Minh Thành (42 tuổi, Hà Giang), điều hành một công ty chuyên cung cấp tour du lịch ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, cho biết.
Anh Minh Thành cũng nhấn mạnh: "Dù mua tour là bất kỳ hình thức nào, du khách vẫn nên hợp tác với hướng dẫn viên để bám sát lịch trình đã đề ra. Bởi lịch trình được tính toán dựa trên rất nhiều yếu tố như kinh phí, thời gian, thời tiết, địa hình, giao thông, văn hóa của các vùng miền và cả trách nhiệm rất lớn của hướng dẫn viên".
Đi tour theo đoàn, có chương trình hẳn hoi nhưng nhiều du khách cứ "thích gì làm nấy". Tham quan điểm văn hóa lịch sử thì ngại, mua sắm thì bao lâu cũng thấy thiếu. Trách sao các đơn vị lữ hành chạy theo tour toàn mua sắm!