Như Thanh Niên thông tin, theo dự thảo luật BHXH sửa đổi vừa được Bộ LĐ-TB-XH hoàn thiện, gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên, thay vì 80 tuổi trở lên như dự thảo trước đó.
Ngoài hạ tuổi, người cao tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp 500.000 đồng mỗi tháng từ ngân sách nhà nước thay vì 360.000 đồng như hiện hành và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Tùy điều kiện kinh tế - xã hội và ngân sách từng thời kỳ, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm gia tăng đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà không phát sinh tăng nhiều ngân sách nhà nước, do ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ BHYT, còn trợ cấp hằng tháng do Quỹ BHXH đảm bảo từ thời gian đóng BHXH của người lao động. Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng giảm tuổi hưởng giúp người già có thêm tiền cải thiện cuộc sống.
Đánh giá tác động, Bộ LĐ-TB-XH cho biết nếu được thông qua, ước tính sẽ có thêm 700.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí. Việc tăng mức trợ cấp hằng tháng với người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên từ 360.000 đồng lên mức 500.000 đồng thì kinh phí phát sinh thêm ước tính khoảng hơn 7.100 tỉ đồng/năm; bao gồm giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi là 5.000 tỉ đồng, điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng từ 360.000 đồng thành 500.000 đồng là 2.100 tỉ đồng.
Rất nhân văn
Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất này vì nhân văn. "Đây là minh chứng cho thấy an sinh xã hội của chúng ta đang ngày một nâng cao. Cũng hy vọng rằng số tiền trợ cấp sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực để các cụ đỡ khổ. Người Việt mình đa phần không có những khoản tích góp lớn để lo cho tuổi già nên cuộc sống nhiều chật vật, trong khi tỷ lệ có lương hưu cũng rất thấp. Nhà nước cần quan tâm hơn", bạn đọc (BĐ) Hoàng Đạt ý kiến.
Không chỉ ủng hộ việc hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, BĐ Minh Tuấn còn đề xuất thêm: "Nên chăng chúng ta xem xét chỉ cần trên 70 tuổi là được hưởng trợ cấp, vì hiện nay người già có lương hưu quá ít mà cuộc sống lại rất khó khăn. Tôi nghĩ điều kiện kinh tế xã hội của chúng ta hiện nay đủ sức thực hiện chính sách tốt đẹp này".
Cùng quan điểm, BĐ Mạnh Dương ý kiến: "Cần dựa vào tuổi thọ trung bình của người Việt mà đưa ra mức tuổi hưởng trợ cấp người già phù hợp. Chẳng hạn tuổi thọ trung bình chỉ tầm 73 tuổi mà quy định từ 75 tuổi trở lên mới được hưởng trợ cấp thì số người được hưởng là không nhiều. Quy định nào cũng cần bám sát thực tế. Nhiều người lớn tuổi bây giờ khó khăn lắm nên mong nhà nước xem xét".
Còn BĐ Hy viết: "Đóng BHXH, BHYT là góp một phần vào việc trợ cấp cho người khuyết tật và người già không lương hưu. Nếu tỷ lệ người đóng BHXH, BHYT nhiều thì độ tuổi để được hưởng trợ cấp tuổi già càng giảm. Hy vọng trong tương lai độ tuổi để được hưởng trợ cấp tuổi già sẽ bằng với người có lương hưu".
Có điều kiện thì hạ tuổi thêm nữa
Không chỉ ủng hộ, nhiều ý kiến cũng mong chính sách tốt đẹp này sớm được các cơ quan chức năng thông qua. "Ở VN, dân số có lương hưu khá ít trong khi đời sống người dân lại rất khó khăn. Nếu tính đến 80 tuổi mới được hưởng trợ cấp thì không nhiều người được hưởng chính sách nhân văn này. Mong rằng đây không còn là đề xuất mà là thực tế. Thậm chí, có thể hạ xuống mức 70 tuổi tôi cũng thấy hợp lý", BĐ Nguyễn Nhân đề nghị.
Ủng hộ đề xuất rất nhân văn này. Nhiều người già không có lương hưu, kinh tế khó khăn nên một đồng cũng rất quý.
Tran Trung
Nhiều trường hợp ở quê các cụ ngoài 70 tuổi vẫn phải chật vật lo cơm áo gạo tiền mỗi ngày. Con cái họ đâu phải ai cũng giàu có. Cho nên đề xuất này rất nhân văn và hy vọng sẽ được áp dụng sớm.
Nghĩa Hà
Tương tự, BĐ Trần Hà ý kiến: "Có thể số tiền đó không nhiều so với mọi người nhưng sẽ là nguồn động lực rất lớn đối với những người lớn tuổi. Vì vậy cần xem xét triển khai ngay, thậm chí hạ độ tuổi được hưởng xuống ở mức 70 tuổi để phù hợp với mức tuổi thọ trung bình tại VN. Điều này cho thấy sự quan tâm sát sao của nhà nước đến với người dân, đặc biệt là người già để không ai bị bỏ lại phía sau".
"Thấy các cụ già ở tuổi ngoài 70 mà vẫn vất vả mưu sinh, nói thật là rất xót xa. Chỉ mong đề xuất này được đi vào thực hiện càng sớm càng tốt. Số tiền không nhiều nhưng cũng bớt được phần nào gánh nặng cho các cụ. Đâu phải ai về già cũng sung sướng hay được con cháu chăm lo đâu. Những đề xuất nhân văn này cần thực hiện ngay vì sẽ được lòng dân", BĐ Việt Hoàng ý kiến.