Nếu Hà Nội nổi bật với trà chanh "chém gió" thì Sài Gòn có cà phê bệt. Đây là một nét văn hóa đặc trưng của giới trẻ thành phố.
Một khi đã "bệt", ai cũng như nhau
Có mặt tại công viên 30-4 từ lúc 6h sáng, Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa (quận Bình Thạnh) tranh thủ chọn cho mình một chỗ ngồi đắc địa, phóng tầm mắt ngắm trọn Dinh Độc Lập.
Thỉnh thoảng, Khoa đặt ly cà phê xuống ghế, giơ cao điện thoại và chụp lại những khoảnh khắc thú vị.
"Đối với cà phê bệt, ai nhìn vào đều công nhận đó là nét lạ của giới trẻ, mà chỉ có ở TP.HCM này mới có. Nó bụi bụi, mang đến sự thoải mái nhất cho người uống" - Đăng Khoa cho biết.
Mỗi sáng, khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM, công viên 30-4 (quận 1, TP.HCM) có hàng trăm bạn trẻ đến uống cà phê. Nhộn nhịp nhất là vào dịp cuối tuần, chủ yếu là sinh viên, nhân viên văn phòng và một số khách du lịch.
Cà phê bệt chẳng cầu kỳ mà lại đơn giản đến không ngờ. Ở đây, người bán không cần sử dụng các loại máy móc hiện đại, thay vào đó là những phin, vợt truyền thống.
Cà phê được người bán pha sẵn từ khuya, cho vào chai nhựa rồi bỏ vào thùng đá ướp lạnh. Khi có khách, chủ quán chỉ cần đổ vào ly, thêm đá, sữa đặc hoặc sữa tươi...
Với tầm giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/ly, khách hàng được nhận kèm một tấm bạt hoặc bìa các tông để lót ngồi. Số khác đầu tư hơn, có cả bàn và ghế nhựa cho những khách muốn uống cà phê nhưng lại không muốn ngồi bệt.
Cứ đều đặn hai tuần một lần, Đới Thị Ngọc Quỳnh (23 tuổi, quận 12) lại tìm đến quán cà phê bệt trên đường Công Xã Paris, hướng nhìn ra phía nhà thờ Đức Bà để thư giãn và tìm nguồn cảm hứng mới cho công việc.
Ngọc Quỳnh chia sẻ, khi đến đây, cô và các bạn của mình chấp nhận sự bất tiện về chỗ ngồi để có được sự thú vị của đời sống mà những quán cà phê sang trọng không có được.
"Khi ngồi bệt, mình cảm thấy thoải mái và tự nhiên hơn. Đa phần các bạn đều ngồi như vậy nên rất gần gũi mà không hề e ngại ánh nhìn của mọi người ở xung quanh. Đó là điểm đặc trưng mà mình nghĩ các quán cà phê khác khó làm được" - Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Cà phê bệt lạ nhưng chưa đẹp
Cà phê bệt được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì mức giá vừa phải, cách thưởng thức gần gũi với không gian thoáng đãng. Tại đây, các bạn trẻ có thể ngồi trò chuyện từ sáng đến trưa.
Tuy nhiên, nét văn hóa này chưa thực sự đẹp khi hiện tượng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường đang xảy ra hằng ngày.
Theo quan sát, xung quanh công viên có ít nhất 5, 6 điểm gửi xe hoạt động. Tuy nhiên, khi uống cà phê, nhiều bạn trẻ chọn đậu xe trên vỉa hè, dưới lòng đường - nơi các bạn có thể theo dõi và di chuyển ngay lập tức nếu đội quản lý trật tự đô thị đến.
Các "cư dân" cà phê bệt này phải "di tản" ít nhất một lần mỗi sáng, ngày nhiều nhất có thể đến 4, 5 lần. Khi Đội quản lý trật tự đô thị đến kiểm tra, người bán lập tức thông báo cho khách hàng. Nhóm bạn trẻ nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc và cầm ly cà phê tản mác ra các nơi. Số ít vội lên xe, khởi động máy và chạy đi.
Ngay sau khi đội quản lý trật tự đô thị rời đi, mọi thứ lại trở về vị trí ban đầu.
Nguyễn Linh (23 tuổi, Bình Chánh) cho biết thường ra khu vực này để uống cà phê. Theo anh, đây đã trở thành một phần trong lối sống của dân thành phố.
"Mình đã quá quen với cảnh trật tự đô thị đến giải tán các quán cà phê bệt ở đây, mặc dù hơi lộn xộn nhưng mình thấy cũng bình thường. Chắc là do mình có suy nghĩ thoáng" - Nguyễn Linh chia sẻ.
Ngoài lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, tình trạng xả rác bừa bãi cũng xuất hiện tại khu vực uống cà phê bệt.
Chị Nhi (33 tuổi, Bình Thạnh), nhân viên cây xanh tại công viên 30-4, cho biết bên cạnh những bạn trẻ có ý thức tự dọn vệ sinh thì một số người sau khi uống bỏ lại ly nhựa, hộp thức ăn dọc theo lối đi. Vào cuối tuần, lượng rác thải khá nhiều.
Xét thấy, cà phê bệt là một trong những nét văn hóa đặc biệt của giới trẻ thành phố. Tuy nhiên, cần có kế hoạch phát triển và quản lý phù hợp để tạo thành nét văn hóa chung mà không ảnh hưởng vẻ đẹp của thành phố.
"Nếu ngồi lâu, một người trong nhóm sẽ chủ động gọi thêm đồ uống tại quán nhưng tính ra vẫn rẻ hơn nếu dùng điện ở nhà", Kiệt chia sẻ.