Dù còn hơn 1 năm nữa mới đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 đã trở nên rất sôi động. Theo tờ The New York Times, tính đến hiện tại, đã có 11 đảng viên Cộng hòa tuyên bố tranh cử. Trong đó có nhiều ứng viên đáng chú ý như cựu Tổng thống Donald Trump, Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis, cựu Phó Tổng thống Mike Pence,...
Cuộc đua phía Dân chủ có phần êm ắng hơn khi chỉ mới có 3 đảng viên xác nhận tranh cử, gồm Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, nhà văn Marianne Williamson và luật sư Robert F. Kennedy Jr.
Tổng thống Biden đang chiếm lợi thế lớn so với 2 ứng viên còn lại. Theo một khảo sát của đài CNN công bố ngày 25-5, 60% cử tri Dân chủ hoặc nghiêng về Dân chủ nói rằng họ ủng hộ ông Biden trong cuộc đua đại diện đảng, 20% chọn ông Kennedy Jr. và 8% ủng hộ bà Williamson. Những người còn lại nói rằng họ sẽ ủng hộ một “người khác” (giấu tên).
Dưới đây là thông tin về 3 ứng viên Dân chủ đã chính thức tuyên bố gia nhập đường đua.
Tổng thống Joe Biden
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Hội nghị Lập pháp Quốc gia ở thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 25-4. Ảnh: AP |
Ngày 25-4, sau nhiều tháng nói về “ý định” tái tranh cử, ông Biden đã chính thức tuyên bố quyết định này bằng một video dài 3 phút kêu gọi cử tri bỏ phiếu để ông “hoàn thành công việc”.
“Khi tôi tranh cử tổng thống cách đây 4 năm, tôi đã nói rằng chúng ta đang trong cuộc chiến vì linh hồn của nước Mỹ và hiện tại vẫn thế. Đây không phải là lúc để tự mãn. Đó là lý do tại sao tôi tái tranh cử. Hãy hoàn thành nhiệm vụ này. Tôi biết chúng ta có thể” - ông nói.
Để nhấn mạnh sự khác biệt trong chính sách của mình với các đối thủ, ông Biden đã đưa hình ảnh vụ tấn công Điện Capitol ngày 6-1-2021 và hình ảnh người biểu tình ủng hộ quyền phá thai bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ vào video tranh cử. Ông muốn thuyết phục cử tri rằng chính quyền của ông sẽ “bảo vệ nền dân chủ, bảo vệ các quyền tự do cá nhân, quyền bầu cử và các quyền công dân” của người Mỹ.
Tổng thống Biden là một chính trị gia kỳ cựu, giàu kinh nghiệm hơn hẳn so với các ứng cử viên còn lại từ cả hai đảng. Ông có 36 năm làm thượng nghị sĩ, 2 nhiệm kỳ làm phó tổng thống (từ 2008-2016), tạm ngừng công việc chính phủ một thời gian ngắn trước khi quay trở lại tranh cử tổng thống và giành chiến thắng vào năm 2020.
Trong hơn 2 năm làm tổng thống, ông Biden đã đạt được nhiều thành công trong chương trình nghị sự của mình, chẳng hạn gói ngân sách cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỉ USD, đảm bảo khoản tài trợ kỷ lục để chống biến đổi khí hậu, thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng để viện trợ cho Ukraine trong xung đột với Nga,...
Thách thức lớn nhất của ông Biden trong việc tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai chính là tuổi tác. Vị tổng thống hiện đã 80 tuổi - là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ.
Bà Marianne Williamson
Bà Marianne Williamson phát biểu khởi động chiến dịch tranh cử tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ) ngày 4-3. Ảnh: AP |
Bà Williamson (70 tuổi) - một tác giả sách, nhà hoạt động chính trị là thành viên đầu tiên của đảng Dân chủ thông báo tham gia cuộc đua tổng thống năm 2024.
Ngày 26-2, nữ tác giả chính thức tuyên bố tranh cử với thông điệp “sửa chửa nước Mỹ”.
Bà nói: “Tôi ra tranh cử tổng thống để giúp khép lại một chương lầm lạc trong lịch sử của chúng ta và giúp mang lại khởi đầu mới”.
Bà Williamson là tác giả của 14 cuốn sách self-help, một số quyển trong số này lọt vào danh sách các tác phẩm bán chạy nhất của New York Times, bà cũng là một diễn giả có tiếng. Trong sự nghiệp chính trị của mình, bà đã ủng hộ các hoạt động tiến bộ như chiến dịch chống đói nghèo, hỗ trợ phong trào phòng chống HIV/AIDS,...
Năm 2020, bà từng tham gia cuộc đua tổng thống của đảng Dân chủ nhưng thất bại. Theo tờ USA Today, bà Williamson sau đó “bị nhấn chìm” giữa một rừng đảng viên Dân chủ và không nhận được sự ủng hộ từ những người trong đảng do quan điểm chính trị khác biệt của bà.
Ông Robert F. Kennedy Jr.
Ông Robert F. Kennedy Jr. phát biểu ra mắt chiến dịch tranh cử tại TP Boston (bang Massachusetts, Mỹ) ngày 19-4. Ảnh: GETTY IMAGES |
Ông Kennedy Jr. (69 tuổi), một luật sư về môi trường, nhà hoạt động chống vaccine, ngày 5-4 đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Bầu cử Liên bang để tranh cử tổng thống Mỹ.
Trong bài phát biểu khởi động chiến dịch tại TP Boston (bang Massachusetts, Mỹ), ông chỉ trích việc đóng cửa trường học và cơ sở kinh doanh trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhấn mạnh rằng chính phủ và giới truyền thông “đã lừa dối chúng ta”.
Ông nói: “Nhiệm vụ của tôi trong 18 tháng tới của chiến dịch này và trong suốt nhiệm kỳ tổng thống sẽ là chấm dứt sự hợp nhất tham nhũng giữa quyền lực nhà nước và quyền lực tập đoàn đang đe dọa áp đặt một chế độ phong kiến tập đoàn mới lên đất nước chúng ta”.
Ông Kennedy Jr. xuất thân từ một trong những gia đình chính trị nổi tiếng nhất nước Mỹ với bố là cựu Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy và bác là cố Tổng thống John F. Kennedy (người bị ám sát năm 1963).
Nền tảng gia đình là một lợi thế của ông Kennedy Jr. trong chiến dịch tranh cử (20% những người ủng hộ ông trong khảo sát của CNN cho biết lý do họ đưa ra lựa chọn là vì gia đình của ông). Tuy nhiên hầu hết thành viên trong gia đình Kennedy không ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông.
Bà Rory Kennedy - một nhà làm phim, em gái ông Kennedy Jr. - nói với CNN rằng bà yêu quý và ngưỡng mộ tài năng của anh trai nhưng vì “nhiều lập trường khác biệt” của ông nên bà chọn ủng hộ Tổng thống Biden.
Cựu Thống đốc Maryland - bà Kathleen Kennedy Townsend (chị gái của ông Robert Jr.) từ chối bình luận về quyết định tranh cử của em trai. Trước đó, trong một bài báo năm 2019, bà viết rằng ông Kennedy Jr. “đã giúp truyền bá thông tin sai lệch” khi ông bày tỏ sự hoài nghi về vaccine.
Một người em gái khác của ông là bà Kerry Kennedy, hiện là chủ tịch một tổ chức nhân quyền cũng có quan điểm tương tự.