Bứt phá của Việt Nam
Theo bài viết đánh giá tình hình phát triển năm 2020 trên tờ Financial Express (FE) của Bangladesh (số ra tháng 8/2021), Việt Nam đã trở thành "cường quốc xuất khẩu" trong thế kỷ 21.
Năm 2020, thời kỳ COVID-19 hoành hành, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 281 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm trước đó. Trong khi ấy, giá trị xuất khẩu của thế giới giảm 7,8% và riêng Bangladesh giảm 17%.
Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu cũng tăng lên trong năm 2020, củng cố thêm vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng - sản xuất toàn cầu. Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 29 tỷ USD, vượt qua mức 28 tỷ USD của Bangladesh và xếp vị trí thứ 2 thế giới trong lĩnh vực này, chỉ sau Trung Quốc.
Dệt may hiện được coi là một trong những lĩnh vực chủ chốt của nhiều nền kinh tế, quy mô thương mại của thị trường dệt may toàn cầu chiếm từ 8 - 8,8% tổng thương mại toàn cầu, tính theo trị giá đạt khoảng 1.400 - 1.550 tỷ USD.
FE cho rằng, sở dĩ Việt Nam thành công như vậy là nhờ cách xử lý dịch bệnh tốt, giúp duy trì sản xuất theo định hướng xuất khẩu trong phần lớn năm 2020.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi nhu cầu tiêu dùng của Mỹ tăng trở lại, khiến số lượng đơn hàng chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng gia tăng đáng kể.
Một lý do nữa là thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã có khả năng tiếp cận cao đối với hơn 50% thị trường thế giới.
"Việt Nam đã trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của chúng ta trong dài hạn" - Financial Express nhận định. Tuy nhiên, tờ này cũng khẳng định, "trò chơi chưa kết thúc". Bangladesh hoàn toàn có khả năng phục hồi xuất khẩu hàng dệt may chỉ trong 1-2 năm tiếp theo và trở lại vị trí thứ 2 thế giới.
Bangladesh giành lại vị trí số 2 thế giới về xuất khẩu may mặc
Bước sang năm 2022, tờ FE tiếp tục đăng tải bài viết so sánh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may giữa Việt Nam và Bangladesh năm 2021, trong đó đề cập rằng Bangladesh đã thành công vượt thứ hạng của Việt Nam.
Theo Báo cáo Thống kê Thương mại Thế giới 2022 do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố, Bangladesh đã một lần nữa đứng thứ hai về thị trường xuất khẩu hàng dệt may toàn cầu năm 2021.
Tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may toàn cầu của Việt Nam giảm từ 6,40% năm 2020 xuống 5,80% năm 2021. Trong khi đó, tỷ trọng của Bangladesh tăng từ 6,30% năm 2020 lên 6,40% năm 2021.
Lý giải về việc Bangladesh bứt phá trở lại trên đường đua xuất khẩu hàng dệt may, FE cho biết, cả Bangladesh và Việt Nam đều tìm cách duy trì thành tích xuất khẩu theo những cách khác nhau.
Đối với Bangladesh, đây là mặt hàng xuất khẩu chính, mang lại hơn 80% tổng thu nhập từ xuất khẩu và là nguồn cung cấp việc làm phi nông nghiệp cho hơn 4 triệu lao động. Trong khi đó, tại Việt Nam, xuất khẩu hàng dệt may đóng vai trò là nguồn thu dễ dàng nhưng chỉ chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các các doanh nghiệp Bangladesh đã đặt mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may trị giá 100 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có đủ nguồn nhân lực để đáp ứng được thách thức này. Nguyên nhân là do Việt Nam theo đuổi chính sách đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, chứ không theo đuổi nền công nghiệp một mục tiêu như Bangladesh .
Sách lược của Việt Nam đang "đơm hoa kết trái"
Tuy Bangladesh đã lấy lại vị thế xuất khẩu hàng dệt may nhưng tờ FE thừa nhận, hướng đi đa dạng hóa của Việt Nam đang "đơm hoa kết trái".
Nhờ chính sách đa dạng hóa ngành hàng xuất khẩu, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới.
Ví dụ, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 thế giới (kim ngạch xuất khẩu đạt 542,32 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2022), là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới (đạt gần 4 tỷ USD năm 2022), xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới (đạt 11 tỷ USD năm 2022, cao kỷ lục so với kế hoạch ban đầu là 9 tỷ USD).
Bên cạnh đó, mặt hàng xuất khẩu da giày của Việt Nam đã tăng trưởng hơn 30% so với kế hoạch năm 2022, đứng số 2 thế giới.
Dù ngành xuất khẩu hàng dệt may đã tụt xuống vị trí thứ 3 sau Bangladesh nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 11%, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 44,5 tỷ USD trong năm 2022.
Theo ông Lê Tiến Trường - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tuy quy mô đứng thứ 3 toàn cầu nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 thế giới.
Chính sách đa dạng xuất khẩu, đa phương hóa của Việt Nam còn thúc đẩy nhiều doanh nghiệp nước ngoài dành sự quan tâm lớn cho thị trường Việt Nam.
Xu hướng dịch chuyển công xưởng sang Việt Nam và rót tiền đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel đã giúp ngành điện tử của Việt Nam tăng trưởng khá về cả chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu.
Trong giai đoạn 2016-2020, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam đã tăng trưởng bình quân 23,8%, đưa Việt Nam từ vị trí 47 năm 2001 lên vị trí 12 thế giới và thứ 3 khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử.
Bước sang năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Samsung Electronincs Việt Nam đã đạt 65,5 tỷ USD, đưa Việt Nam thành cứ điểm sản xuất điện thoại thông minh thế giới.
Tháng 3 năm nay, đại diện hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đã sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh. Nhiều tên tuổi lớn như Boeing, SpaceX, Lockheed Martin… đã thể hiện mong muốn đầu tư, mở rộng ở Việt Nam.
Tờ báo Bangladesh ghi nhận, cũng nhờ chính sách đa dạng hóa ở Việt Nam mà lương của "công nhân cổ xanh" đang dần được cải thiện như "công nhân cổ trắng", và động lực cân bằng kinh tế tổng thể được thể hiện rõ ràng nhất trong lĩnh vực thương mại.
Trong khi đó, Bangladesh vẫn được cho là quốc gia "cổ xanh" bảo thủ, với mức lương thấp và không mấy thay đổi. Chi phí dành cho nhập khẩu của Bangladesh còn cao hơn 70% doanh thu xuất khẩu.
Hiện tại, Bangladesh đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu có tay nghề cao nhưng nước này vẫn còn chặng đường dài phía trước phải đi.
FE lưu ý rằng, cả Bangladesh và Việt Nam đều đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển lần lượt trong năm 2041, 2045 và các tín hiệu hiện nay cho thấy Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đã đặt ra trước Bangladesh.
Tờ báo kết luận, không phải chỉ Việt Nam mới có thể duy trì thành tích xuất khẩu hàng dệt may trên toàn cầu và leo lên chuỗi giá trị sản xuất, Bangladesh cũng có thể làm được, thành tích ấn tượng đã cho thấy điều đó. Thế nhưng hiện tại, Bangladesh không có trong tay các "lá bài định đoạt" để bước tiếp trong cuộc chơi leo thang.