Mức dùng như tháng trước, nhưng tiền điện tăng thêm?
Theo thống kê của EVNHANOI, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày trên toàn thành phố tháng 4 là 61.542 triệu kWh, tháng 5 là 75.326 triệu kWh. Tuy vậy, chỉ nửa đầu tháng 6 (tính đến 15-6-2023) lượng điện tiêu thụ đã lên tới 83.391 triệu kWh. Như vậy, bình quân lượng điện tiêu thụ tháng 5 đã tăng hơn 22% so với bình quân tháng 4 năm 2023.
Các chuyên gia lý giải, theo nghiên cứu, tiêu thụ điện của điều hòa nhiệt độ chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% tổng lượng điện tiêu thụ của gia đình. Cứ nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1°C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng từ 2 - 3% tùy loại. Nếu nhiệt độ tăng lên 5°C thì lượng điện tiêu thụ tăng 10%.
Chính bởi nguyên lý vận hành trời càng nóng thì máy điều hòa càng tốn điện, do đó, có thể cùng mức sử dụng 8 - 10 tiếng/ngày, nhưng điều hòa chạy trong nền thời tiết 35 - 40°C sẽ tốn điện hơn hẳn dịp đầu hè, khi nền nhiệt độ khoảng 30 - 35°C.
Hiểu rõ điều này, người sử dụng điện sẽ tìm được lời giải cho thắc mắc: vì sao thời gian dùng điều hòa cũng như tháng trước, nhưng tiền điện tăng thêm. Đó là chưa kể lượng điện năng tiêu thụ "âm thầm" do thói quen sử dụng. Cứ hạ 1°C trong phòng điều hòa lại tốn thêm 1,5 - 2% lượng điện tiêu thụ.
Giải pháp cho nỗi lo tốn điện
Theo đó, nhằm giải quyết về nỗi lo "ngốn điện" của không chỉ điều hòa mà còn tất cả các thiết bị điện khác, EVNHANOI khuyến nghị khách hàng, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả
Đó là việc tắt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm của tiêu thụ điện: từ 10h đến 14h và từ 19h đến 23h hàng ngày; không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải cục bộ lưới điện đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.
Bên cạnh đó, EVNHANOI cũng khuyến cáo, để hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, khách hàng nên lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công thương. Thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm cũng như nâng cao tuổi thọ.
Một điều rất quan trọng với hầu hết các thiết bị điện trong gia đình là hãy rút phích cắm khi không sử dụng, bởi mặc dù không dùng nhưng chúng vẫn góp phần làm cho hóa đơn tiền điện tăng lên. Theo viện nghiên cứu Berkeley, California, Mỹ: Những thiết bị chưa rút phích, dù không sử dụng, cũng sẽ tiêu thụ khoảng 5% - 10% lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình.
Ngoài ra, để có thể chủ động quản lý lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị điện trong gia đình, khách hàng có thể dùng tính năng "Ước tính điện năng tiêu thụ của thiết bị" trên App EVNHANOI để biết được công suất điện của các đồ dùng điện trong gia đình, từ đó sẽ có cách sử dụng phù hợp và hiệu quả.
Đồng thời, với các ứng dụng, website và hệ sinh thái chăm sóc khách hàng của EVNHANOI, việc theo dõi chỉ số điện tiêu thụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, từ đó rà soát lại để điều chỉnh lượng điện tiêu thụ hàng ngày tránh nguy cơ hóa đơn tiền điện tăng cao.
Nếu có nhu cầu tìm hiểu kỹ hơn về các cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, khách hàng tại Hà Nội vui lòng liên hệ Tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHANOI qua số điện thoại 19001288 (phục vụ 24/7) để được tiếp nhận, tư vấn và giải đáp.
Để tránh "méo mặt" khi nhận hóa đơn tiền điện mùa nắng nóng, khách hàng nên kiểm soát chỉ số tiêu thụ điện hằng ngày, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, tránh lãng phí và rơi vào bậc thang giá cao.