Ngày 19/6 là ngày quyết định giảm lãi suất lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực. Đây được xem là giải pháp linh hoạt để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, trần lãi suất cho vay ngắn hạn… giảm thêm 0,5%, riêng trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng giảm 0,25% xuống còn 4,75%/năm.
Nhiều ngân hàng giảm thêm mặt bằng lãi suất huy động
Các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Nhiều ngân hàng lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 4,5%, tức là đã thấp hơn so với mức trần quy định 4,75% của NHNN. Các kỳ hạn trên 6 tháng được 1 số ngân hàng giảm thêm từ 0,1 - 0,5%/năm tùy kỳ hạn.
Mức thấp nhất kỳ hạn ngắn còn có ngân hàng giảm về 3,4%/năm, kỳ hạn dài trên 12 tháng thấp nhất ở 6,3%/năm. Lãi suất giảm nhưng với nhiều người, tiết kiệm ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn.
Bà Tống Thị Ngọc Thuỷ, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nói: "Tôi đã gửi ngân hàng là tôi cũng đã tin tưởng, lãi suất thấp lại kích thích cho các doanh nghiệp họ vay để họ phát triển".
Bà Đỗ Thị Thuý Hoa, Giám đốc chi nhánh Nam Thăng Long, Ngân hàng TMCP An Bình, cho biết: "Từ khi điều chỉnh biểu lãi suất, chúng tôi thấy lượng khách hàng vẫn đông, các khách hàng có sổ đến hạn thì đều có xu hướng gửi lại, doanh số huy động trong 2 ngày vừa qua cũng có dấu hiệu tăng nhẹ cả kênh tiền gửi tại quầy và online".
Lượng tiền gửi giúp đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Giới phân tích cũng đánh giá mức giảm 0,25 -0,5%/năm đợt này là bước đi thận trọng, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát, đảm bảo lãi suất thực dương đủ hấp dẫn cho người gửi tiền.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nói: "Động thái hạ lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước là động thái toàn diện".
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát, tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí; giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng mức giảm lãi suất sau 4 lần là từ 0,5-2%/năm tùy loại. Với tần suất giảm tương đối liên tục từ tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy thông điệp mạnh mẽ hơn về việc hạ mặt bằng lãi suất, qua đó, định hướng các ngân hàng quyết liệt hơn trong việc giảm lãi vay, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.
Trong báo cáo mới công bố hôm 19/6, Công ty chứng khoán SSI nhận định, mặt bằng lãi suất đã quay trở về năm 2020, thời điểm thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong vượt qua dịch COVID-19. Tuy nhiên, giảm lãi suất chưa đủ, mà còn cần thêm các giải pháp cải thiện đầu ra cho doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là các sản phẩm tôm đông lạnh, nhưng năm nay, với sự suy giảm các đơn hàng từ nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đang cần tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng thị trường trong nước.
Ông Vũ Công Huân, Giám đốc CTCP Tập đoàn HDC, cho biết: "Nguồn nguyên liệu phải thanh toán 100% bằng tiền mặt trong khi công nợ bán ra khách hàng nợ 2-3 tháng nên thiếu hụt vốn lưu động rất là nhiều".
Giới phân tích cũng nhận định, nếu có thêm những giải pháp thúc đẩy thị trường đầu ra, thì doanh nghiệp sẽ cải thiện khả năng trả nợ, qua đó, đáp ứng tốt hơn các điều kiện tiếp cận vốn của ngân hàng bởi hiện tín dụng tăng khá chậm khi sức khỏe của doanh nghiệp suy giảm, còn ngân hàng thì khó có thể hạ chuẩn cho vay.
Anh Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam, nói: "Bây giờ tín dụng tăng thấp, nguyên nhân là do nhu cầu tín dụng thấp trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế GDP tăng 3,3% thôi, hoạt động sản xuất, PMI, XNK cho thấy kinh tế đang tăng chậm lại khiến cho doanh nghiệp không có nhu cầu. Từ giờ tới cuối năm, kỳ vọng lãi suất vay giảm và chính sách hỗ trợ chính phủ hồi phục".
PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, cho biết: "Lãi suất điều hành khi được kích hoạt, từ ngân hàng nhà nước tới nền kinh tế phải trễ từ 2-3 tháng, thậm chí 6 tháng. Nên khi ngân hàng nhà nước giảm mức LS điều hành xuống, nhưng trước đó, mặt bằng LS bình quân đã cao rồi thì chưa thể giảm ngay. Kỳ vọng từ 2-3 tháng nữa mới giảm mạnh".
Theo Ngân hàng nhà nước, mức lãi suất cho vay bình quân mới đã giảm khoảng 0,9%/năm so với cuối năm ngoái, về 9,07%/năm. Với những khoản vay cũ, nhiều ngân hàng cũng đang nỗ lực tiết giảm chi phí để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Giảm 4 lần trong chưa đầy 4 tháng, động thái cho thấy sự quyết liệt, linh hoạt trong điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, hướng tới mục tiêu hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.96620342291603202-et-hnik-ioh-cuhp-ort-oh-ed-taus-ial-maig/et-hnik/nv.vtv