vĐồng tin tức tài chính 365

Inside: Chiếc lồng nghệ thuật

2023-06-20 12:21
Willem Dafoe như một thầy tu khổ hạnh, trừng phạt thân xác của mình trong mỗi vai diễn  - Ảnh: IMDb

Willem Dafoe như một thầy tu khổ hạnh, trừng phạt thân xác của mình trong mỗi vai diễn - Ảnh: IMDb

Không một cảnh nào giới thiệu chân dung nhân vật, chẳng hồi tưởng, Inside (tạm dịch: Bên trong) ngay lập tức tạo nên một không gian kín nhốt cả người xem lẫn nhân vật chính.

Phim kể về tay trộm Nemo (nam diễn viên Willem Dafoe thủ vai) đột nhập vào căn hộ áp mái của gã tài phiệt đang đi công tác để trộm ba bức tranh của danh họa Egon Schiele.

Trái với dự tính, gã thình lình bị mắc kẹt trong căn nhà, xung quanh đầy ắp các tác phẩm nghệ thuật và không có bất cứ khe hở nào để thoát thân.

Không rõ bao nhiêu ngày đêm, y cầm cự để vượt qua cơn đói khát, ăn cá cảnh trong chậu, uống nước từ đường ống tưới cây và đối mặt với cơn nóng lạnh kinh người bởi hệ thống làm mát - sưởi bị hỏng.

INSIDE - Official Trailer

Lời chào vĩ đại

Inside làm người xem nhớ đến bộ phim tài liệu Making a Murderer (tạm dịch: Tạo ra kẻ sát nhân) ghi lại cuộc đời bi kịch của Steven Avery.

Năm 23 tuổi, chàng thanh niên Steven bị kết án oan. 18 năm sau, họ phóng thích khỏi nhà lao một con ác quỷ, kẻ giết người không ghê tay (Steven đã chủ mưu một vụ giết người thảm khốc chỉ sau khi được tự do hai năm, lần này anh không vô tội).

Ai đã tạo ra sát nhân Steven? Những năm đằng đẵng ở trong ngục hẳn đã đánh cắp thứ gì đó trong sáng ở y để thay vào đấy sự man rợ.

Tương tự nhưng theo một lối rất khác, Inside thả tên trộm vào căn phòng kín, một kẻ cắp yêu thích nghệ thuật, luôn giữ khư khư giấy vẽ bên người, để rồi đản sinh cho đời một nghệ sĩ thực thụ.

Xung quanh Nemo là hàng loạt tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ vốn nổi tiếng vì sự khiêu khích của họ với thời đại, từ Maxwell Alexandre, John Armleder, Maurizio Cattelan đến Joanna Piotrowska, Egon Schiele, Alvaro Urbano.

Một số tác phẩm còn được đạo diễn Vasilis Katsoupis đặt nghệ sĩ sáng tác riêng, tạo nên sự độc nhất vô nhị cho Inside.

Ở vai trò là một bộ phim về thế giới nghệ thuật, Inside đả phá những gì chúng ta từng biết. Một tín đồ nghệ thuật có thể choáng váng khi nhìn thấy cách Nemo phá dỡ các bức tranh, tượng hòng tìm ra thứ có thể giúp hắn thoát ra khỏi chốn ngục tù này.

Y dùng bức tượng điêu khắc để đục cánh cửa, xô ngã tranh của Maurizio Cattelan không thương tiếc và dùng tác phẩm của Rayyane Tabet để ném vỡ cửa sổ. Hầu như những kiệt tác trong căn phòng không đáng một xu so với tự do của Nemo, chỉ trừ ba tác phẩm của họa sĩ Egon Schiele, người có thể đi sâu vào tâm hồn trần trụi của gã.

Bộ phim tạo nên một quá trình rất rõ ràng. Đầu tiên, Nemo cự tuyệt mớ tác phẩm nghệ thuật vô dụng, cái y cần là thứ nuôi sống mình được, Nemo không thể xé toạc tranh ra để cho vào miệng ngấu nghiến như khi y ăn thức ăn cho chó.

Hắn cô đơn, gào thét trong vô vọng. Sau đó, cơn đói khát, sự quẫn trí hành hạ y, mang đến cho y những ý tưởng điên loạn chưa từng có. Hắn vẽ lên tường một bức tranh không định trước và dần tạo ra một tác phẩm sắp đặt khổng lồ trên đường tìm lối thoát.

Và vì vậy, bộ phim đã mang đến cho những người xem một trải nghiệm dị biệt, nó phô bày sự cấu xé trong con người ta, buộc ta phải làm gì đó để sáng tạo hoặc là chết vô nghĩa, vạch trần những cảm xúc xấu xa đã che giấu, khiến ta thành một nghệ sĩ - thứ ta ghê tợn và không muốn. Hãy nhớ rằng Nemo vốn không phải là nghệ sĩ, hắn bị biến thành nghệ sĩ.

Trong một 100 phút của phim, thoại rất ít, hầu như Nemo là nhân vật duy nhất và họa hoằn gã mới độc thoại khi đã chịu hết xiết sự im lặng đày đọa này. Để hiểu được bộ phim, người xem buộc phải "đọc" các tác phẩm nghệ thuật bên trong như khi bước vào phòng tranh.

Các góc quay khi thì rọi từ trên cao xuống để soi chiếu tâm trí của tên trộm, lúc thì ống kính vươn lên trần nhà để lấy thứ ánh sáng yếu ớt từ thiên đường, đại diện cho sự tự do, vượt thoát.

Inside trông không giống cú chạm đầu tiên của đạo diễn Vasilis Katsoupis với phim điện ảnh, ông tra tấn cảm xúc của diễn viên bậc thầy Willem Dafoe, chơi đùa với các tác phẩm nghệ thuật và bóp nghẹt người xem theo một cách rất thuần thục.

Inside là lời chào vĩ đại của Vasilis đến thế giới nghệ thuật, rằng ông ta sẵn sàng hủy giải mọi thứ chỉ để tạo lập nên thứ nghệ thuật khổ ải, thuần túy từ cốt tủy.

Nemo dành lòng tôn kính cho những chân dung tự họa của Egon Schiele bởi chúng đã nhìn thấu con người y - Ảnh: IMDb

Nemo dành lòng tôn kính cho những chân dung tự họa của Egon Schiele bởi chúng đã nhìn thấu con người y - Ảnh: IMDb

Ta tưởng mình đã biết Willem Dafoe

Ta cứ tưởng mình đã biết Willem Dafoe từ ngày thấy ông sắm vai ác nhân trong phim Người Nhện (2002). Gương mặt xương xẩu, gò má nhô cao, hốc mắt sâu và điệu cười rộng toác lộ hàm răng khấp khểnh của Willem Dafoe rất phù hợp vào vai những kẻ ác trong các bộ phim bom tấn.

Ta tưởng mình đã biết Willem Dafoe khi thấy ông trong phim Antichrist, nét diễn lầm lì của Willem cộng hưởng với những bộ phim kỳ dị như găm một viên đạn vào người xem.

Và giữa muôn vàn bộ phim về Vincent van Gogh, chính Willem Dafoe là người khiến ta tin sái cổ rằng trong cơn điên loạn, vị danh họa đã xẻo tai mình. Ta tưởng mình đã biết Willem Dafoe qua từng vai diễn sống động của ông.

Cái ta không lường được là năng lực diễn xuất của người diễn viên 67 tuổi này. Willem Dafoe là biểu trưng cho phần tối của loài người nhưng ông không để chúng trong lòng mà trưng ra chúng ngay trên chính gương mặt mình.

Hãy xem cái cách ông đóng vai Nemo, đu đưa người trên cái ghế kẽo kẹt giữa căn phòng bừa bộn để gặm nhấm sự cô độc. Và cũng hãy xem thật kỹ sự hằn học của ông khi đập tan tành các tác phẩm nghệ thuật không chút ghê tay.

Willem Dafoe là kiểu diễn viên mà biên kịch phải nghĩ đến ngay từ khi xây dựng nhân vật, đặt ông vào trọng tâm và có thể thỏa thuê đày đọa vai diễn.

Với ông, ta được chứng kiến thời khắc điện ảnh trở thành một loại tôn giáo, Willem Dafoe biến thành một thầy tu khổ hạnh, quất roi da vào lưng để chịu tội, đeo dây gai vào chân để bước trên con đường thương khó.

Tội của gã là trở thành diễn viên, tội của gã là phô bày bao tăm tối của con người lên gương mặt này, và với Inside, gã chất thêm tội của mình khi trở thành một nghệ sĩ.

Một cảnh trong Inside

Một cảnh trong Inside

Nếu phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn 46 tuổi Vasilis Katsoupis chỉ nói về sinh tồn thì nó quả là một tác phẩm tầm thường và chắc chắn một diễn viên quái kiệt như Willem Dafoe chẳng để vào mắt mà từ chối tắp lự.

Thế giới đã có Cast Away của Tom Hanks, The Revenant của Leonardo DiCaprio và The Martian của Matt Damon, dòng phim chiến đấu sinh tồn có lẽ không cần thêm Willem Dafoe góp mặt.

Inside là một bản thể khác. Đúng như tên gọi, nó trình hiện những ngóc ngách tối tăm bên trong, cơn bĩ cực của sự sáng tạo và cho ta thấy sự ra đời của một nghệ sĩ.

"Call of the Forest": Tiếng kêu cứu của rừng xanh'Call of the Forest': Tiếng kêu cứu của rừng xanh

Phim tài liệu 'Call of the Forest' gây xúc động cho khán giả khi khám phá tầm quan trọng của cây cối với đời sống con người.

Xem thêm: mth.46582649002603202-tauht-ehgn-gnol-ceihc-edisni/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Inside: Chiếc lồng nghệ thuật”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools