vĐồng tin tức tài chính 365

Châu Á gặp khó khi tìm vaccine ngừa Covid-19 thích hợp

2020-12-10 00:53

Châu Á gặp khó khi tìm vaccine ngừa Covid-19 thích hợp

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Các nước châu Á đang nỗ lực tìm kiếm vaccine từ nhiều nguồn khác nhau để tiến hành các chiến dịch tiêm chủng rộng rãi trong năm tới. Và khi nguồn vaccine nhập khẩu đã sẵn sàng thì việc kế tiếp là vaccine cần sự chuẩn thuận của cơ quan y tế quốc gia, sự chuẩn bị của các hãng dược và mạng lưới logistics cùng năng lực của hệ thống y tế công.

Vaccine của các hãng dược phương Tây sẽ được cung cấp cho các nước châu Á từ tháng 3-2021. Ảnh: AP

Vaccine phương Tây sẵn sàng từ cuối tháng 3

Lượng vaccine các hãng dược phương Tây sản xuất trong năm 2020 khá ít. Năng lực của Pfizer là 50 triệu liều trong năm nay và chủ yếu sẽ ưu tiên cho Mỹ và châu Âu. Tình hình cũng tương tự với hãng dược AstraZeneca và Moderna – theo dữ liệu của hãng phân tích Airfinity.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã bảo đảm được nguồn cung 600 triệu liều từ hãng AstraZeneca khi Viện Serum của nước này cùng hợp tác với AstraZeneca và Đại học Oxford trong nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Ngay cả Trung Quốc cũng đặt mua thêm từ AstraZeneca, dù rằng ba hãng dược trong nước đã sản xuất được vaccine và đang chờ cơ quan y tế nước này chuẩn thuận.

Các nước châu Á cố gắng đặt mua vaccine từ nhiều nguồn khác nhau. Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo nói trong cuộc họp báo hôm 8-12 rằng nước này đã đặt Pfizer, AstraZeneca và Moderna 20 triệu liều mỗi hãng và 4 triệu liều từ hãng dược Janssen của tập đoàn Johnson & Johnson. Hàn Quốc cũng đặt mua thêm 10 triệu liều từ sáng kiến cung cấp vaccine toàn cầu Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

“Chúng tôi ban đầu dự định chỉ mua đủ vaccine cho hơn 30 triệu dân, nhưng quyết định mua dư bởi không chắc chắn về sự thành công của các vaccine ứng viên. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ráo riết giữa các nước để đặt mua vaccine”, Bộ trưởng Park nói.

Các đợt vận chuyển vaccine sẽ bắt đầu không trễ hơn tháng 3-2021. Các cơ quan chính phủ nước này nói sẽ xem xét chặt chẽ tình hình tiêm vaccine ở các nước trong nhiều tháng để “đảm bảo an toàn khi tiêm ở Hàn Quốc”. Việc tiêm chủng đại chúng dự kiến sẽ bắt từ quí 3 ở nước này. Bộ trưởng Park cũng nói rằng Seoul hiện chưa có bất cứ thảo luận nào với Bắc Kinh và Moscow về việc mua vaccine do hai nước này sản xuất.

Đài Loan nói đã thỏa thuận trực tiếp với một hãng dược phương Tây và đã trả tiền cho 10 triệu liều vaccine của hãng này – theo Reuters. Trần Thời Trung – người đứng đầu ngành y tế của hòn đảo – nói việc tiêm chủng sẽ bắt đầu từ quí 2-2021. Ông cũng cho biết sẽ mua thêm 4 triệu liều của hãng dược phương Tây khác thông qua sáng kiến Covax của WHO, đủ vaccine cho toàn bộ 7,5 triệu người của hòn đảo.

Nhân viên của hãng dược Sinovac Biotech đang kiểm tra chất lượng vaccine Covid-19 ở một xưởng đóng gói ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Càng nhiều nguồn vaccine, quá trình chuẩn thuận càng lâu

Nhật Bản đã đặt mua đủ liều vaccine cho toàn bộ dân số 145 triệu người từ ba hãng Pfizer, AstraZeneca và Moderna. Cơ quan vật phẩm y tế và dược phẩm Nhật Bản (PMDA) nói rằng: “Trong khi các kết quả toàn cầu được công nhận thì cần tiến hành các thử nghiệm riêng đối với người Nhật Bản để chứng minh hiệu quả và an toàn của vaccine”.

Việc xem xét như vây thường mất khoảng một năm, tuy nhiên PMDA nói quá trình sẽ được rút ngắn trong tình hình khẩn cấp hiện nay. Các nguồn vaccine sẽ sẵn sàng ở Nhật Bản từ cuối tháng 3. Nhưng Satoshi Hori – giáo sư về kiểm soát bệnh truyền nhiễm ở Đại học Juntendo tại Tokyo – dự báo mục tiêu toàn dân tiêm chủng chỉ có thể vào mùa hè.

Chính phủ Nhật Bản muốn hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn bộ dân số trước cuối tháng 6-2021, trước khi Thế vận hội mùa hè Tokyo Olympic 2020 bị dời khai mạc cuối tháng 7.

Pfizer đã tiến hành thử nghiệm vaccine trên 44.000 người ở sáu quốc gia, nhưng chỉ có 5% có nguồn gốc châu Á. Ở Nhật Bản, Pfizer đã tiêm thử vaccine cho 160 người tuổi từ 20 trở lên vào cuối tháng 10. Với kết quả thử nghiệm ở Nhật Bản và toàn cầu, hãng dược Mỹ sẽ nộp đơn xin chuẩn thuận của Nhật Bản.

Trong khi đó, AstraZeneca công bố tiến hành thử nghiệm toàn cầu trên 60.000 người. Ở Nhật Bản, hãng dược Anh đã tiêm thử nghiệm trên 250 người tuổi từ 18 trở lên vào tháng 8 vừa rồi. Hãng dược Takeda Pharmaceutical vừa nộp đơn xin PMDA xét duyệt vaccine của hãng Moderna trong tháng 12 này.

Theo Nikkei Asia, Bộ Y tế Singapore đã thành lập hội đồng chuyên gia để đánh giá hiệu quả và sự thích hợp của từng loại vaccine đối với từng cụm dân của hòn đảo này.

“Có nhiều yếu tố để cân nhắc, bởi không phải mọi loại vaccine đều thích hợp, an toàn và hiệu quả trên tất cả cộng đồng dân cư. Hội đồng chuyên gia cần xem xét kỹ độ an toàn và dữ liệu lâm sàng khi các loại vaccine này được cung cấp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ lượng giá tình hình ở Singapore để đề nghị chiến lược tiêm chủng phù hợp và đúng đắn đối với toàn bộ dân số Singapore”, theo lời Benjamin Ong, Chủ tịch của Hội đồng chuyên gia. Vị này cũng là cố vấn cấp cao của Bộ Y tế Singapore.

Thách thức từ chuỗi cung ứng và bệnh viện tuyến cuối

Các hãng dược, hãng bản sỉ và công ty logistics đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị cho các chiến dịch tiêm chủng. Nhưng kế hoạch điều phối nhịp nhàng chưa thể bảo đảm 100%.

Ngay cả hãng dược AstraZeneca cũng gặp vấn đề ở Nhật Bản. Hãng sẽ sản xuất vaccine ở bên ngoài và ngay tại Nhật Bản. Nhưng đối tác của AstraZeneca là hãng dược JCR Pharmaceuticals chưa bao giờ có kinh nghiệm sản xuất vaccine. Hãng Daiichi Sankyo lại chịu trách nhiệm chiết vaccine vào các lọ và đóng gói. Hãng này tuyên bố sẽ chuẩn bị đủ số lượng lọ đựng vaccine và các nguồn cung ứng liên quan.

Hãng Pfizer sẽ sản xuất vaccine tại châu Âu và Mỹ, và vận chuyển đến châu Á. Ngoài việc vận chuyển, trữ vaccine ở nhiệt độ cực thấp - 80oC tại bệnh viện tuyến cuối là thách thức mới. 

Hãng cung cấp thiết bị y tế PHC có trụ sở ở Tokyo nói “đang ngập trong đơn đặt hàng tủ trữ đông” từ các hãng dược châu Âu và Mỹ, cùng các hãng logistics quốc tế. PHC nói sẽ gấp rút tăng năng lực sản xuất để đáp ứng cho nhu cầu của châu Á và các nơi khác.

Chỉ có bệnh viện lớn và hiện đại ở châu Á mới có sẵn tủ đông cho các loại vaccine cần trữ ở nhiệt độ cực thấp. Hãng sản xuất tủ đông Kanou Reiki nói các bệnh viện nhỏ và phòng khám ở Nhật Bản không có sẵn tủ trữ đông ở nhiệt độ -80oC. Hãng này nói các nơi trong và ngoài Nhật Bản gọi điện hỏi mỗi ngày về tủ đông.

Và ngay cả khi có sẵn tủ đông, các nước Đông Á có nền y tế tiên tiến như Nhật Bản và Hàn Quốc lại đương đầu với một trở ngại khác: các đợt bùng phát ca nhiễm trong mùa đông đã vắt kiệt sức đội ngũ nhân viên y tế. Indonesia và Philippines cũng gặp tình trạng tương tự khi các bệnh viện tràn ngập người nhiễm Covid-19.

Xem thêm: lmth.poh-hciht-91-divoc-augn-eniccav-mit-ihk-ohk-pag-a-uahc/785113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Châu Á gặp khó khi tìm vaccine ngừa Covid-19 thích hợp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools