“Thông tin của nền kinh tế bủa vây hệ thống ngân hàng. Lãnh đạo ngân hàng sau một đêm có thể bạc trắng cả đầu”, ông chia sẻ về áp lực của những người nắm giữ trọng trách trong ngành.
Khi nền kinh tế gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng thường được “gọi tên” đầu tiên. “Giải cứu” thị trường bất động sản, hệ thống ngân hàng được “điểm danh”. Trọng trách “cứu” thị trường trái phiếu, hệ thống ngân hàng được xếp hàng đầu… Giải quyết các vấn đề nổi cộm của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng thường không thể đứng ngoài. Nhưng đó là điều không tránh được, bởi ngành ngân hành gánh trên vai nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thế nhưng, các yếu tố nội tại và quốc tế không phải lúc nào cũng “yểm trợ” cho chính sách tiền tệ. Ví dụ, đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, diễn biến trong nền kinh tế cho thấy, lạm phát trong nước dù có xu hướng chậm lại nhưng vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới biến động phức tạp, lạm phát trên thế giới vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ giá ở trong nước đã chấm dứt từ cuối năm 2022, giá các mặt hàng nhà nước quản lý tiếp tục tăng theo lộ trình và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở cũng gây ra sức ép đến lạm phát.
Hay như Kho bạc Nhà nước tiếp tục phát hành trái phiếu chính phủ, ngân sách nhà nước thực hiện thu thuế theo dự toán trong bối cảnh giải ngân đầu tư công còn khó khăn nên hạn chế lượng tiền được đưa vào lưu thông, dẫn đến tổng phương tiện thanh toán bị thu hẹp, tạo áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế lên tín dụng ngân hàng.
Nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế của ngành ngân hàng Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do bởi ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn trên lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, sức ép cung ứng vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế vẫn lớn trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rủi ro rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn) nhất là trong bối cảnh thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế.
Đối với nhiệm vụ hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023, thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất. Nguyên do chính là tâm lý e ngại thanh kiểm tra nên khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2%/năm và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Bên cạnh đó, khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý, vì lúc đó, số tiền hỗ trợ lãi suất đã hạch toán lợi nhuận, chia cổ tức cho cổ đông. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ.
Đặc biệt, thông tin dồn dập về Silicon Valley Bank và First Republic Bank của Mỹ, 2 ngân hàng có lãi liên tiếp ít nhất là trong 53 quý, từ năm 2010 đến nay, nhưng vẫn bị rủi ro rút tiền hàng loạt.
Chỉ trong vài ngày, các ngân hàng đã bị rút đến hơn 100 tỷ USD và Ngân hàng Trung ương Mỹ phải cho vay trên 100 tỷ USD và các ngân hàng khác trong hệ thống cũng phải cho vay đến vài chục tỷ USD. Thông tin này là một cảnh báo trong việc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng - mạch máu của nền kinh tế trước những khó khăn, thách thức và diễn biến khó lường của nền kinh tế trong và ngoài nước.
Những biến số đó cùng với trách nhiệm trọng yếu cân đối vốn cho nền kinh tế khiến áp lực với ngành ngân hàng là rất lớn và về dài hạn, theo TS. Nguyễn Minh Cường, nguyên chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cần tiếp tục cải cách tài chính để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.