Theo đó, cả 13 bị cáo bị đưa ra xét xử cùng về tội "vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất". Trong đó có 11 bị cáo là lãnh đạo, công chức nhà nước.
11 lãnh đạo, công chức nhà nước sai phạm
Cụ thể, các bị cáo bị xét xử gồm Trương Quốc Tuấn (nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Phước Thái), Lê Viết Hưng (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Tấn Tài (nguyên giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai chi nhánh TP Biên Hòa).
Bên cạnh đó còn các bị cáo là nguyên lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Biên Hòa; nguyên chuyên viên tại Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chi nhánh TP Biên Hòa; nguyên chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường Tam Phước; nguyên cán bộ công chức địa chính phường Tam Phước và Nguyễn Hữu Thành (em ruột bị cáo Nguyễn Văn Đức - phó chủ tịch UBND phường Tam Phước).
Riêng bị cáo Nguyễn Tấn Long (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa) vắng vì lý do sức khỏe. Ngoài ra, một số luật sư bào chữa vắng hoặc bị từ chối bào chữa. Dự kiến phiên tòa kéo dài từ 7 - 10 ngày.
Trước đó, ngày 26-5, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, do luật sư bào chữa có đơn xin vắng mặt và đơn xin hoãn phiên tòa; một số nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng vắng mặt nên hội đồng xét xử đã công bố tạm hoãn phiên tòa.
Lập khống hồ sơ nhận bồi thường gần 79 tỉ đồng
Theo cáo buộc của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, năm 1995, Thủ tướng cho phép Công ty liên doanh TNHH Kia - Huy Hoàng Ceramics thuê đất với diện tích gần 9ha tại xã Tam Phước, huyện Long Thành (nay là phường Tam Phước, TP Biên Hòa) để xây dựng nhà máy.
Đến năm 2009, do Công ty liên doanh TNHH Kia - Huy Hoàng Ceramics không thực hiện dự án nên bị UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực pháp lý, thu hồi giấy phép đầu tư và giải thể. Sau đó, việc quản lý khu đất này được giao tiếp cho Công ty cổ phần may - xây dựng Huy Hoàng.
Khi biết việc này, Trương Quốc Tuấn đã thành lập Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Phước Thái rồi thỏa thuận với Công ty cổ phần may - xây dựng Huy Hoàng giao lại diện tích đất trên cho công ty của Tuấn đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư Phước Thái.
Sau đó, Tuấn "đạo diễn" cho Công ty cổ phần may - xây dựng Huy Hoàng đứng ra làm văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai giao đất cho Nguyễn Hữu Thành (là thợ may, không trực tiếp sử dụng đất) được xét duyệt khống để nhận bồi thường, hỗ trợ gần 79 tỉ đồng.
Cũng theo cáo trạng, để Tuấn lập khống hồ sơ, nhận tiền bồi thường gần 79 tỉ đồng có sự "tiếp tay" của 11 bị cáo là lãnh đạo, công chức của các cơ quan nhà nước.
Còn bị cáo Thành vì vụ lợi đã giúp Tuấn ký khống tên vào tất cả các hồ sơ, thủ tục kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, hồ sơ bồi thường, hỗ trợ dự án, nhận tiền đền bù, ký mở tài khoản… làm sai lệch hồ sơ, để Tuấn chiếm đoạt tiền bồi thường.
Sáng 26-5, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử vụ án "vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" xảy ra ở khu dân cư Phước Thái.