“Tôi nghĩ rằng nắng nóng ở châu Á thời điểm hiện nay sẽ gây ra những tác động tương tự như với những đợt sóng nhiệt kỷ lục mà chúng ta đã quan sát thấy ở những khu vực khác, chẳng hạn như Vương quốc Anh, vào giữa năm ngoái. Nắng nóng kéo theo doanh số bán quạt, máy điều hòa không khí tăng mạnh. Kem cũng là một trong những món được ưa chuộng nhất”, công ty nghiên cứu Bain & Company’s Associate Partner Zara Lightowler cho biết.
Trở lại với châu Á, một số thành phố Đông Nam Á hứng chịu nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 5. Nhiệt độ tăng cao trong năm nay có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm lượng mưa thấp hơn trong mùa đông vừa qua và hiện tượng El Nino – kiểu thời tiết thường khiến trời nóng và khô hơn ở nhiều khu vực trong khi gây mưa lũ ở những khu vực khác.
Một số mặt hàng tiêu dùng được hưởng lợi từ nắng nóng như kem, quạt và nước giải khát. Các công ty nước giải khát dẫn đầu trong số đó, đặc biệt ở Đông Nam Á. Các nhà phân tích tin rằng doanh số bán nước đóng chai và đồ uống sẽ tăng mạnh.
Khí thải CO2, sản phẩm của quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, đang tích tụ trong khí quyển. Nó làm hành tinh nóng lên và là nguyên nhân chính gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, bao gồm cả nắng nóng kéo dài.
Trong khi đó, doanh số bán điều hòa có thể cũng sẽ tăng vọt, mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, điều hòa khiến năng lượng bị tiêu thụ nhiều hơn, làm cho trái đất ngày càng nóng hơn. Lựa chọn dùng quạt có thể là cách bền vững.
Giá nông sản có thể cũng sẽ tăng do điều kiện khô hạn khắc nghiệt làm mất mùa, khiến giá gạo, đậu nành, lúa mì, ngô hay thậm chí là lá chè tăng cao. Các loại thức ăn gia súc như lúa mì, gạo và yến mạch, cùng với các loại ngũ cốc khác có thể cũng sẽ lâm vào hoàn cảnh tương tự. Khi thức ăn chăn nuôi tăng lên, giá thịt sẽ tăng theo.
Tuy nhiên, nắng nóng hoặc các điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng là cơ hội để người tiêu dùng tìm hiểu các sản phẩm bền vững hơn đồng thời đánh giá lại tác động từ những lựa chọn của cá nhân với môi trường và biến đổi khí hậu.
Tham khảo: CNBC