Chứng khoán Mỹ một lần nữa đang tăng trưởng tốt hơn các thị trường khác. S&P 500 đã tăng 14% từ đầu năm đến năm nay, cao hơn mức 8,5% của chỉ số "MSCI All Country World ex USA", chuyên theo dõi cổ phiếu của các thị trường phát triển và mới nổi khác trừ Mỹ.
Các nhà đầu tư đang rón rén quay trở lại. Trong 3 tuần liên tiếp gần đây, các quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi danh mục chuyên đầu tư cổ phiếu Mỹ ghi nhận dòng tiền vào ròng. Trong tuần kết thúc vào ngày 14/6, 23,78 tỷ USD đã được các nhà đầu tư bơm vào, mức hàng tuần cao nhất kể từ tháng 12. Theo công ty theo dõi dữ liệu các quỹ đầu tư EPFR, trong 21 tuần trước đó, có 17 tuần tiền bị rút ròng ra.
Ngược lại, mức độ quan tâm đến cổ phiếu các thị trường lớn khác giảm. Các quỹ đầu tư cổ phiếu toàn cầu vừa ghi nhận mức tiền rút ra ròng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2022. Sau đợt dòng tiền dương đầu năm, trong 9 tuần qua có 5 tuần ghi nhận tiền bị rút ròng.
Các quỹ châu Âu ghi nhận dòng tiền chảy ra trong 14 tuần. Các quỹ của Anh thì trong 23 tuần và các quỹ của Trung Quốc và Mỹ Latinh cũng đang ghi nhận dòng chảy ròng ra chậm.
Chỉ số chứng khoán nhiều nước cũng tụt lại so với Mỹ. Chỉ số S&P/BMV IPC của Mexico tăng 12% trong năm nay. Stoxx Europe 600 tăng 8,1%, Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 4,9% và Hang Seng của Hong Kong giảm 1%.
Craig Sarembock, Cố vấn tài sản tại Bartlett Wealth Management đang tìm cách mua thêm cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác của Mỹ vì đánh giá cao khả năng vượt suy thoái của chúng. Ông cho rằng cổ phiếu các thị trường khác không có bảng cân đối kế toán mạnh như nhiều công ty vốn hóa lớn của Mỹ.
Chứng khoán Mỹ từ lâu đã vượt trội so với các chỉ số khác trên thế giới. Tuy nhiên, khi S&P 500 giảm mạnh vào năm ngoái do lo ngại về lãi suất cao hơn và lạm phát tăng cao, các nhà chiến lược và nhà đầu tư đã nhanh chóng dự đoán rằng chứng khoán các nước ngoài Mỹ đã sẵn sàng để tăng giá. Nhưng sự phục hồi gần đây của S&P 500 cho thấy những dự báo đó là quá sớm.
Tất nhiên, các quỹ chứng khoán Mỹ vẫn còn một khoảng trống lớn về vốn. Lũy kế đến nay, họ đã phải chịu khoảng 31 tỷ USD dòng tiền ròng chảy ra so với khoảng 13 tỷ USD lượng bơm vào của các quỹ chứng khoán toàn cầu, theo EPFR.
Phần lớn sự nhiệt tình gần đây với chứng khoán Mỹ bắt nguồn từ sự bùng nổ quan tâm đến trí tuệ nhân tạo (AI). Các nhà đầu tư đang mua cổ phiếu của các công ty đi đầu trong lĩnh vực công nghệ mà họ cho rằng sẽ thay đổi thế giới những năm tới.
Cổ phiếu của Nvidia, nhà sản xuất chip đồ họa tiên tiến cần thiết cho AI, đã tăng gấp 3 lần trong năm nay, mang lại cho công ty mức định giá 1.000 tỷ USD. Các cổ phiếu công nghệ khác cũng tăng vọt. Meta - mẹ của Facebook, và Tesla đã tăng hơn gấp đôi. Cổ phiếu Microsoft - công ty đã tiết lộ khoản đầu tư 10 tỷ USD vào ChatGPT của OpenAI - đã tăng hơn 40%, tương đương với Apple và Amazon.
Nhìn rộng hơn, các nhà đầu tư cũng lạc quan về kinh tế Mỹ vì người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu thoải mái, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và cuộc khủng hoảng ngân hàng dường như đã lắng xuống. Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư đang hy vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sắp kết thúc chiến dịch tăng lãi suất, điều mà họ mong đợi sẽ mang lại cho thị trường nhiều dư địa hơn để tăng trưởng.
Ngược lại, khu vực đồng euro đã rơi vào suy thoái và tiếp tục vật lộn với chi phí năng lượng và lương thực cao. Cuộc chiến tiếp diễn ở Ukraine cũng là yếu tố bất ổn cho khu vực. Trong khi quy mô nền kinh tế Mỹ lớn hơn 5,4% so với trước khi đại dịch thì nền kinh tế eurozone chỉ mở rộng thêm được 2,2%.
Ở một diễn biến khác, việc mở cửa trở lại nền kinh tế Trung Quốc sau ba năm đại dịch không như kỳ vọng, làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư. Tăng trưởng doanh số bán lẻ đã chậm lại và các dữ liệu gần đây về sản lượng, xuất khẩu và đầu tư của nhà máy yếu hơn nhiều so với dự đoán. Vì thế, tăng trưởng kinh tế nước này năm nay dự kiến giảm tốc so với giai đoạn trước.
Dĩ nhiên, vẫn còn những ngoại lệ hấp dẫn trên trường quốc tế. Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 28% đầu năm đến nay và dao động gần mức cao nhất trong 33 năm. Kết quả này nhờ vào nền kinh tế Nhật đang phát triển nhanh chóng và ngân hàng trung ương cam kết áp dụng lãi suất thấp. Tại Pháp, cổ phiếu của các thương hiệu cao cấp tăng mạnh giúp chỉ số nhóm blue-chip lên mức kỷ lục thời gian gần đây.
Ngoài ra, đã có dấu hiệu về khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán một số nước. Các nền kinh tế được hưởng lợi từ USD yếu hơn, khiến cho việc nhập khẩu hàng hóa nước ngoài trở nên rẻ hơn. USD - đồng tiền dự trữ của thế giới, đã giảm khoảng 8% so với mức cao nhất trong nhiều thập kỷ đạt được vào tháng 9/2022.
Trong đó, đà phục hồi tại Nhật Bản, Mexico và châu Âu dường như đang mở rộng. Một số nhà đầu tư thậm chí còn lo ngại đợt phục hồi tới sẽ khiến thị trường Mỹ hạ nhiệt nếu vài công ty lớn mắc sai lầm nào đó. Todd Jablonski, Giám đốc đầu tư và Trưởng bộ phận phân bổ tài sản tại Principal Asset Management, đang giảm tỷ lệ đầu tư vào chứng khoán Mỹ và Trung Quốc trong khi tăng nắm giữ ở các thị trường phát triển khác và cổ phiếu Mỹ Latinh.
Ngoài ra, một số lựa chọn vẫn có vẻ rẻ hơn so với Mỹ. Chỉ số Hang Seng đang giao dịch với P/E ở mức 9,6. Trong khi S&P/BMV IPC của Mexico và Stoxx Europe 600 đang giao dịch ở P/E lần lượt là 13 và 12,8. Cả ba đều có P/E dưới mức trung bình 10 năm. Để so sánh, S&P 500 đang giao dịch với P/E là 19, cao hơn mức trung bình 10 năm là 17,6.
Jon Bell, Quản lý danh mục đầu tư thu nhập vốn cổ phần toàn cầu tại Newton Investment Management, đang đầu tư nhiều hơn vào các cổ phiếu châu Âu theo phong cách giá trị, chỉ ra định giá rẻ hơn và tỷ lệ cổ tức cao hơn. "Tăng trưởng thực sự chỉ vượt trội ở Mỹ. Ở các thị trường quốc tế, nó vẫn mang nhiều đặc điểm về giá trị và lợi nhuận hơn", ông nói.
Phiên An (theo WSJ)