“Nhà tre nổi là phương án hữu ích giúp hàng triệu hộ dân nghèo tự tạo nơi ở ổn định, an toàn, thích ứng với kịch bản xấu nhất của biến đổi khí hậu” - người sáng lập H&P Architects, công ty sáng tạo ngôi nhà làm bằng tre nổi trên mặt nước, Đoàn Thanh Hà nói với tạp chí kiến trúc Dezeen của Anh.
Nhà tre nổi được thiết kế như một ngôi nhà ba gian, với mặt bằng tầng trệt hình vuông có kích thước 6m x 6m và một tầng lửng.
Hình thức bên ngoài lấy cảm hứng từ ngôi nhà rông bản địa, với mái tranh cao và dốc.
Nhà được làm bằng những thanh tre lõi đặc có nguồn gốc địa phương với đường kính 3m - 5cm và dài 3m - 6m. Các cây tre được liên kết nhau đơn giản bằng các chốt, thanh giằng để làm khung kết cấu công trình.
Mặt tiền bên ngoài nhà được bao phủ bởi các tấm chắn nhẹ làm bằng tre đan, lá và tôn.
Hệ thống cửa có thể đóng mở linh hoạt để tránh các điều kiện thời tiết bất lợi.
- Tham khảo thêm
Những chiếc thùng nhựa gắn ở mặt dưới của ngôi nhà giúp nó có thể nổi trên mặt nước. Một bể tự hoại, bể lọc và bể chứa nước cũng được đặt ở đây.
Trong khi đó, các tấm sàn tầng trên cũng có thể dễ dàng tháo ráp để thay đổi công năng sử dụng, làm lớp học, thư viện hoặc không gian hội họp chung.
Mái nhà lớn của cấu trúc cho phép người sử dụng tòa nhà thu nước mưa và khai thác năng lượng mặt trời để cung cấp năng lượng chiếu sáng.
Trong tương lai, H&P Architects sẽ thiết kế một số ngôi nhà tre kết hợp với nhau để tạo thành những ngôi làng nổi.
Những ngôi nhà tre nổi có thể được kết nối với nhau bằng sân chơi nổi, bè trồng rau và khu vực nuôi cá.
Dự án khởi xướng vào năm 2015, sử dụng kinh phí từ quỹ từ thiện có tên Quỹ Kiến trúc & Trách nhiệm xã hội (ASR).
Sau đó, dự án được Tổ chức Văn hóa Samsung tài trợ vào năm 2022 để tham gia một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Leeum ở Seoul, Hàn Quốc.
Thực trạng của Đồng bằng sông Cửu Long đang đặt ra những thách thức to lớn và Việt Nam khẳng định quyết tâm chủ động, tích cực để quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.