Chị Lê Thị Hằng (31 tuổi, ngụ đường Lê Quý Đôn, quận Phú Nhuận, TP.HCM) phải đưa bầy mèo cưng đi cấp cứu tại một cơ sở thú y quận 8.
"Thấy tụi nó bỏ ăn, tiêu chảy, ói mửa, tôi đưa đi liền. Bác sĩ nói chúng bị giảm bạch cầu, là bệnh dễ lây. Họ vừa chích thuốc vừa truyền nước biển", chị kể.
Lo đến mất ngủ vì "cục vàng" bị bệnh
Sau cả tuần đưa mèo đi chạy chữa, theo hướng dẫn của bác sĩ thú y, chị mua thuốc về tự tiêm cho những con đang bệnh và vài con khác mới chớm triệu chứng. Chị nói đợt đó chi phí chữa trị, bồi bổ khoảng 50 triệu đồng.
Một lần khác, chú mèo tên Bi bị khó thở. Chị nhớ lại: "Sau khi đưa đi khám hai nơi, tôi mới biết Bi mắc chứng hẹp khí quản bẩm sinh. Bác sĩ khuyên nên trông chừng không để mèo đùa giỡn mạnh".
Nuôi một thú cưng là chú mèo con, anh Lê Nam (33 tuổi, ngụ phường Cát Lái, TP Thủ Đức) kể: "Sáng đó, tự nhiên mèo bỏ ăn, nằm ủ rũ, dáng đi dặt dẹo. Thấy bất thường, tôi liền chụp ảnh, quay video gửi cho một người bạn là bác sĩ thú y ở TP Biên Hòa".
Bác sĩ lập tức hỏi về tình trạng phân mèo, trước đó mèo có tiếp xúc với mèo lạ, có tắm hay thay đổi thức ăn không. "Tôi nhớ vài hôm trước nó tiếp xúc mèo do bạn bè qua nhà mang theo, và tôi có tắm cho nó... Bác sĩ nghe xong nói mang xuống để khám", anh nói.
Khám qua, bác sĩ chẩn đoán mèo bị sốt nhiễm siêu vi. Cô liền tiêm thuốc đồng thời trấn an "bé sẽ mau khỏe".
Anh trở về TP.HCM làm việc trong khi bác sĩ liên tục cập nhật hình ảnh, video mèo đang dần bình phục. "Nếu không có bác sĩ thú y cấp cứu, thực sự tôi loay hoay không biết làm thế nào. Ngày đón mèo mạnh khỏe trở về tôi vui lắm, như đón một người bạn thân", anh chia sẻ.
Nhắc về chú chó tên Mập, anh Nguyễn Minh Tiến (ngụ đường Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn) kể: "Hôm đó sát Tết. Sau một ngày nó bỏ ăn và ói mửa, tôi chở ra phòng khám gần nhà mới biết bị viêm ruột nặng.
Bác sĩ chích thuốc, truyền nước biển rồi cho về. Liên tiếp mấy ngày đến tận chiều 30 Tết tôi vẫn chở ra để trị dứt". Do phòng khám nghỉ mùng 1 Tết, anh tự tiêm thuốc cho chó và mùng 2 anh lại chở ra. Mập khỏe lại, tuy không được như trước nhưng anh rất mừng vì chó cưng sống sót.
Chó mèo cũng nhiều bệnh cần cấp cứu
Theo các bác sĩ thú cưng, chó mèo gặp các triệu chứng như sốt, co giật, khó thở, nuốt dị vật, bị tai nạn... cần được cấp cứu chữa trị ngay.
Bác sĩ thú y Ngô Minh Nhựt (phòng khám Bee Pet, quận Tân Phú) cho biết anh từng cấp cứu thú cưng bị xe đụng, ngộ độc, xuất huyết đường ruột...
Đó là chưa kể những trường hợp mèo bị thương ở mắt hoặc bị nhiễm ký sinh trùng máu dẫn đến sẩy thai. Rồi thú cưng bị tiểu ra máu, hôn mê, hạ canxi... cũng không phải là hiếm.
Cách đây hai tháng, anh chữa cho một chú chó bị bắt trộm, giữa đường nhảy xuống thoát được nhưng bị xe đụng vỡ xương chậu. Có những ca anh phải mổ, dùng đinh ốc cố định xương, cả tháng mới lành.
"Tôi cũng từng chữa một chú chó béc giê bị bỏ rơi ở Long An, bị suy dinh dưỡng, viêm da nặng và được một phụ nữ tốt bụng đưa lên phòng khám. Chú chó khỏe mạnh trở lại và được đặt tên là Phúc", anh kể.
Hơn 10 năm trong nghề, bác sĩ thú y Bạch Ngọc Thủy Tiên (phòng khám 9B, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cho biết ngoài những trường hợp thông thường, chị còn tiếp nhận cấp cứu những chú chó bị trúng bả, mèo bị chó cắn... Chị cũng từng chữa một chú chó bị tắm xăng dẫn đến ngộ độc.
Điểm mấu chốt của việc cấp cứu là thời gian và sự chính xác. Theo anh Nhựt, khi thú cưng có vấn đề, chủ nuôi nên đưa đi thăm khám và theo dõi càng sớm càng tốt. "Việc can thiệp cấp cứu sớm sẽ tăng tỉ lệ cứu sống.
Bên cạnh đó, việc chẩn đoán chính xác bệnh và tình trạng thú cưng sẽ giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả nhanh chóng, đỡ tốn kém", anh nói. Ngoài ra, bác sĩ cần giải thích rõ với chủ nuôi về tình trạng bệnh, tiên lượng, chi phí điều trị...
Với chị Tiên, người làm công việc chữa trị cho thú cưng, ngoài khả năng chuyên môn thì tình yêu nghề, yêu động vật sẽ là phương thuốc đặc trị để chữa lành bệnh tật cho các bé chó mèo.
Tương tự, anh Nhựt cũng cho rằng khi làm công việc chăm sóc và chữa bệnh cho thú cưng, quan trọng nhất phải thật kiên nhẫn và yêu thương chúng.
Vui buồn nghề chữa bệnh cho thú cưng
Niềm vui của bác sĩ thú cưng là sau mọi nỗ lực cứu chữa, chó mèo được tiếp tục sống. Anh Nhựt cho biết không chỉ riêng anh mà tất cả các bác sĩ, kỹ thuật viên hành nghề thú y đều sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, xứng đáng với tâm huyết bỏ ra khi cứu được một sinh mạng, cho dù chúng có chủ hay bị bỏ rơi.
"Chắc chắn điều đó sẽ làm cho người làm nghề có thêm động lực tiếp tục với nghề, thêm tình yêu thương với động vật", anh tâm sự.
Nghề nào cũng có những nỗi niềm riêng. Với bác sĩ thú y, họ luôn chịu áp lực chữa khỏi cho những cục cưng mà khách hàng mang đến.
Có khi người nuôi không hiểu, cứ nghĩ rằng đến cơ sở thú y là sẽ qua khỏi nhưng điều này còn tùy thuộc tình trạng bệnh. Một số trường hợp thú cưng chẳng may không sống được, họ phải nhận những lời trách móc từ khách hàng.
Thú cưng không biết nói. Chúng cũng không biết cách giữ gìn sau chữa trị, thế nên việc cứu chữa cũng không đơn giản.
"Do đó, một trong những cái khó của ca cấp cứu là thu thập thông tin bệnh của chó mèo. Người nuôi cần nói rõ nguyên nhân, diễn biến bệnh... để giúp ích quá trình điều trị", chị Tiên chia sẻ.
Để việc chữa trị đạt hiệu quả cao, ngoài bàn tay vàng của bác sĩ, các cơ sở còn đầu tư các loại thiết bị, máy móc. Thú cưng khi đưa đến, tùy tình trạng có thể sẽ phải chụp phim, siêu âm, làm các xét nghiệm, thực hiện phẫu thuật...
Yêu chó mèo và mong muốn chữa trị cho chúng tốt nhất, thế nên các bác sĩ thú cưng như anh Nhựt cũng không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề. Từ Vĩnh Long, chị Tiên cũng đi dự các hội thảo ở TP.HCM để cập nhật phương pháp điều trị, các loại thuốc mới cho những "cục vàng".
Mỗi ngày chó mèo - người bạn thân thiết của con người - luôn ngóng đợi chủ nhân trở về. Giữa đời sống căng thẳng, chuyện "con sen" là người nuôi hết lòng cứu chữa thú cưng cũng là điều đáng quý.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, tai nạn, các bác sĩ thú y lưu ý người nuôi khi dẫn chó mèo đi dạo nên có dây dẫn, không để chúng liếm, ăn lung tung bên ngoài, theo dõi cân nặng và bề ngoài.
"Không chỉ ở đô thị mà cả những vùng nông thôn, thú cưng cần được tiêm ngừa những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và ngừa dại đầy đủ, xổ giun sán, kiểm tra sức khỏe định kỳ, hạn chế thả rong...", anh Nhựt cho biết.
Riêng với chị Hằng có kinh nghiệm nhiều năm nuôi chó mèo trong không gian nhà đô thị, chị chia sẻ nơi ở của mình phải diệt khuẩn, khử khuẩn. "Mình cần có chế độ ăn hợp lý cho thú cưng. Ban ngày có thể cho chúng tắm nắng. Những điều này sẽ giảm nguy cơ bệnh nhiễm khuẩn, nấm, đường ruột...", chị nói.
TTO - Chó mèo là thú cưng thân thiết trong nhiều gia đình. Khi "con" bị bắt cóc, nhiều người mất ăn mất ngủ, thương nhớ, tìm kiếm khắp nơi. Thậm chí, họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu bạc để thuê thám tử truy tìm.