Tiến sĩ Adele Doran, chuyên gia về du lịch mạo hiểm của Đại học Sheffield Hallam (Anh), nói với Insider, người giàu luôn khát khao khám phá, chinh phục, do đó du lịch mạo hiểm sẽ không bị lụi tàn. “Dịch vụ đắt đỏ luôn hấp dẫn những người giàu có vung tiền”, bà nói.
Doran cho biết một trong các nguyên nhân là vấn đề “địa vị”. Du lịch rủi ro rất tốn kém. Không nhiều người có thể xuống sâu hàng nghìn mét dưới mực nước biển, đến những vùng xa xôi nhất hành tinh hay vượt ra ngoài giới hạn không gian.
Những người có thể chi trả cho các hoạt động như vậy thường có địa vị không tầm thường.
Bà chỉ ra các nghiên cứu cho thấy những bài đăng trên mạng xã hội của những người đi du lịch mạo hiểm thường xoay quanh việc họ leo đến độ cao nào, đi được bao xa… “Về cơ bản, họ thích được khoe ra và chứng minh địa vị”, Doran nhận định.
Mặc dù có thể rút ra một số bài học từ vụ tàu lặn ngắm xác tàu Titanic, nhưng không loại trừ khả năng những sự cố tương tự có thể lặp lại trong “thị trường ngách rất hẹp này”.
“Tôi không ngạc nhiên nếu chuyện tương tự xảy ra”, bà nói.
Tất nhiên, bà Doran khẳng định những người đi du lịch mạo hiểm không phải để đưa mình vào tình huống nguy hiểm. Hầu hết sẽ tìm đủ mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho bản thân, hoặc mua trực tiếp dịch vụ ban tổ chức để giảm thiểu rủi ro.
Thực tế, chiếm phần lớn số tiền hàng trăm nghìn USD mà người giàu bỏ ra để du lịch mạo hiểm chính là chi phí cho các dịch vụ an toàn.
Vấn đề là, theo bà Doran, rất ít người lường trước mức độ rủi ro, hoặc đánh giá quá cao khả năng được giải cứu một khi có sự cố.
Chẳng hạn, Nam Mỹ là nơi không có nhiều máy bay trực thăng. Do đó, những người mất tích trong rừng rậm thường sẽ phải chờ rất lâu để được giải cứu. Đó là nếu đội cứu hộ xác định được đúng tọa độ.
Vụ nổ bi thảm của tàu lặn Titan kết thúc một chiến dịch tìm kiếm quốc tế đặc biệt kéo dài 5 ngày. Hiện các chuyên gia đang ráo riết tìm kiếm và trục vớt các mảnh vỡ của con tàu.